Kế hoạch 2437/KH-UBND năm 2024 phòng chống bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025

Số hiệu 2437/KH-UBND
Ngày ban hành 26/06/2024
Ngày có hiệu lực 26/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lưu Văn Bản
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2437/KH-UBND

Hải Dương, ngày 26 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO, BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ HEN PHẾ QUẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025; đề xuất của Sở Y tế tại Tờ trình số 66/TTr-SYT ngày 03/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng chống bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn và hen phế quản trên địa bàn tỉnh để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025.

- Triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực giám sát, phát hiện ca bệnh thông qua tiếp cận, phát hiện chủ động tại cộng đồng. Áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán xác định người mắc bệnh lao, nghi mắc lao, lao tiềm ẩn (sau đây viết tắt là bệnh lao), người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và người mắc hen phế quản đưa vào chương trình quản lý, theo dõi, chăm sóc, điều trị một cách toàn diện.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo nghiêm túc, có hiệu quả; không phô trương, hình thức, lãng phí. Các giải pháp thực hiện đảm bảo phù hợp với đặc điểm, quy mô dân số và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

- Huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp Nhân dân, trong đó ngành y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở là trọng tâm nhằm triển khai tổng thể, bền vững các giải pháp phòng, chống bệnh lao, COPD và hen phế quản để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp tích cực, khám phát hiện chủ động, chẩn đoán sớm và quản lý bệnh nhân. Tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong; tăng cường phục hồi chức năng hô hấp, hạn chế tỷ lệ suy giảm chức năng phổi do mắc bệnh lao, COPD và hen phế quản (sau đây viết tắt là các bệnh về phổi); giảm tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt tỉ lệ mắc lao đa kháng thuốc.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 80 người/100.000 người dân.

- Giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lao xuống dưới 4 người/100.000 dân.

- Khống chế tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số những người bệnh lao mới phát hiện.

- Phấn đấu đạt 100% bệnh nhân lao không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cung cấp thuốc điều trị bệnh lao miễn phí bằng nguồn ngân sách của tỉnh.

- Ít nhất 60% người từ 40 tuổi trở lên được khám sàng lọc định kỳ 1 lần/năm để xác định nguy cơ bệnh hô hấp mạn tính; 50% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn trước khi có biến chứng và 50% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;

- Ít nhất 50% người bệnh hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn trước khi có biến chứng và 50% số người phát hiện bệnh được điều trị đạt kiểm soát hen trong đó 20% đạt kiểm soát hoàn toàn.

- Duy trì hoạt động khám, chẩn đoán, quản lý, cấp phát thuốc điều trị bệnh lao, COPD và hen phế quản tại Bệnh viện Phổi Hải Dương; một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, 100% Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

- 100% cán bộ y tế phụ trách chương trình các tuyến được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về dự phòng, giám sát, phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị bệnh lao, COPD và hen phế quản.

- 100% đơn vị y tế triển khai hoạt động phòng chống lao, COPD và hen phế quản ứng dụng triệt để chuyển đổi số trong quản lý, báo cáo, thống kê số liệu theo đúng quy định.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

- Tiếp tục quán triệt, triển khai chủ động, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống các bệnh về phổi, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các giải pháp để thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao, Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 615-TB/VPTU ngày 20/5/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương về kết luận tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Thông báo số 615-TB/VPTU) và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương.

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống các bệnh về phổi. Đưa chỉ tiêu, mục tiêu của hoạt động phòng chống bệnh lao, COPD và hen phế quản vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động nhằm giảm dần tỷ lệ mắc lao trên địa bàn quản lý để tiến tới cùng cả nước chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

- Tổ chức rà soát, tham mưu thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về chấm dứt bệnh Lao từ tỉnh xuống đến xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với các cấp chính quyền triển khai các Chiến lược, phương hướng, giải pháp, chương trình hành động giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng, chống bệnh lao; đồng thời đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Hải Dương phù hợp với mục tiêu, lộ trình chấm dứt bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới và Việt Nam.

[...]