Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 08/CT/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 162/KH-UBND
Ngày ban hành 15/10/2021
Ngày có hiệu lực 15/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Nguyễn Cao Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 15 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08/CT/TU NGÀY 11/10/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08/CT/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị).

- Tăng cường năng lực quản lý và sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Quán triệt, nhận thức đầy đủ nội dung Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

b) Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị xác định việc thực hiện Chỉ thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng năm. Gắn việc chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và tiến độ Kế hoạch đề ra.

c) Phân công nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân về ý thức, trách nhiệm và lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường.

2. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án, không thu hút các dự án có công nghệ lạc hậu, hạn chế các dự án tiêu hao nhiều năng lượng; kiên quyết không cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đáp ng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định đi vào hoạt động.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường (kể từ ngày 01/01/2022 theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020) đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn giai đoạn 2020-2025 theo đề án được duyệt; đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, xử lý rác thải theo vùng, khu vực; đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 90%, chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý đạt 85%.

5. Triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đến năm 2025: 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đầu tư hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh và nước mặt tự động, liên tục để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường phục vụ công tác điều hành, quản lý môi trường và trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch.

6. Xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời tăng cường kiểm soát không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

7. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nguồn gây ô nhiễm từ làng nghề, lưu vực sông. Các cơ sở sản xuất, chế biến, chăn nuôi trong khu vực dân cư, các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải.

8. Bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển đa dạng sinh học; khai thác sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

9. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng về bảo vệ môi trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân về ý thức, trách nhiệm và lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường.

b) Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản, điều chỉnh nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và đăng ký, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định, kiểm tra xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường (kể từ ngày 01/01/2022 theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020) đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

c) Đôn đốc, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát sinh nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất xi măng thực hiện nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải và khí thải đảm bảo các thông số đạt các giá trị tại QCĐP 01:2020/NB- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp và QCĐP 02:2020/NB- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng kể từ ngày 01/01/2022.

d) Yêu cầu 100% các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống, thiết bị quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

đ) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; lập và duy trì đường dây nóng để người dân và tổ chức phản ảnh về tình trạng ô nhiễm môi trường; công khai thông tin về hành vi gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật về BVMT trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình.

[...]