Kế hoạch 16/KH-UBND thực hiện Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024

Số hiệu 16/KH-UBND
Ngày ban hành 12/01/2024
Ngày có hiệu lực 12/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2024

Thực hiện Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 15/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong tỉnh với thị trường lao động các vùng kinh tế trọng điểm khu vực các tỉnh miền Trung và của cả nước; đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

2. Chỉ tiêu

a) Phấn đấu kết nối giải quyết việc làm tối thiểu cho 17.000 lao động, trong đó:

- Giải quyết việc làm cho 12.450 lao động thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp;

- Giải quyết việc làm cho 2.500 lao động thông qua các dự án vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác;

- Phấn đấu đưa 2.050 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

b) Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 2%;

c) Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến cuối năm 2024 giảm còn 25%;

d) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2024 đạt 72,5%;

đ) Phấn đấu có 25% lao động được hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững

- Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nâng cao hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện phát triển mạng lưới doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ đó huy động các nguồn lực trong tỉnh, nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động qua đó tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức.

- Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới, thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định việc làm cho người lao động.

2. Nâng cao hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm và hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên bố trí vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.

- Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-CP ngày 26/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025.

3. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Thực hiện tốt việc thu thập thông tin cung, cầu lao động năm 2024; đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.

- Đầu tư nâng cao năng lực, hiện đại hóa nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm; xây dựng cơ sở dữ liệu “Người tìm việc, việc tìm người” gắn kết với cơ sở dữ liệu “Cung, cầu lao động” để kịp thời nắm bắt biến động thông tin cung - cầu lao động, xây dựng và tổ chức Sàn giao dịch việc làm trực tuyến tạo môi trường và tăng hiệu quả kết nối giữa người lao động với người sử dụng lao động.

- Tổ chức từ 01 đến 02 Ngày hội việc làm quy mô cấp tỉnh nhằm kết nối đào tạo, cung ứng lao động cho dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế và các dự án, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn; đổi mới, nâng cao hiệu quả các Phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, tiếp tục tổ chức các Phiên giao dịch việc làm chuyên đề, Phiên giao dịch việc làm liên kết vùng, Sàn giao dịch việc làm ngoài nước,…

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là ở các thị trường lao động mới, có tiềm năng, lợi thế đối với lao động Thừa Thiên Huế, các chương trình phi lợi nhuận theo thỏa thuận hợp tác của Trung ương và địa phương, chương trình có hỗ trợ chi phí của doanh nghiệp.

[...]