Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 1160/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về tuyên truyền, quảng bá ASEAN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 159/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2021
Ngày có hiệu lực 26/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 26 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1160/QĐ-TTG NGÀY 13/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ ASEAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, Quyết định số 01/QĐ-BCĐASEAN ngày 05/8/2021 của Ban chỉ đạo thông tin tuyên truyền ASEAN ban hành Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chỉ đạo Thông tin tuyên truyền ASEAN thực hiện Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN; theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 906/TTr-STTTT ngày 19/8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động), đảm bảo mọi người dân trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông tin về Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách giữa hợp tác khu vực và cảm nhận của công chúng về Cộng đồng ASEAN, tạo sự đồng thuận, niềm tin và sự ủng hộ của người dân, dư luận xã hội với hợp tác ASEAN.

- Kịp thời truyền tải các thông tin về tình hình hợp tác ASEAN, đất nước, con người các nước ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN đến đông đảo người dân, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó nâng cao ý thức “Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng” của người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân đê tham gia đóng góp và hưởng lợi từ tiến trình hội nhập và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

2. Yêu cầu

- Công tác triển khai thực hiện phải bám sát chủ trương, đường lối của Đàng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; phù hợp với thực tiễn và khả năng của địa phương, đơn vị.

- Các hoạt động được triển khai chủ động, tích cực, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng từ Trung ương tới địa phương, đảm bảo tính khả thi, phát huy tối đa nguồn lực của đơn vị.

- Các hoạt động tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, ưu tiên tuyên truyền vào từng vấn đề cụ thể, thực chất, có lợi ích thiết thực cho người dân, táng cường khai thác cơ sở dữ liệu thông tin chung, phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thông tin, truyền thông của tỉnh và các địa phương, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số và mạng xã hội, tạo ấn tượng sâu sắc, có sức thuyết phục, lan tỏa rộng.

II. ĐỐI TƯỢNG TUYÊN TRUYỀN

- Trong tỉnh: Người dân trên địa bàn toàn tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể; cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề xuất khẩu; giới trẻ (sinh viên, học sinh, lao động trẻ); người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh, Việt Nam, đặc biệt là công dân của các nước thành viên ASEAN.

- Ngoài tỉnh và nước ngoài: Người dân Việt Nam trong nước và đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài, nhất là tại các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN; người nước ngoài, đặc biệt là công dân của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung tuyên truyền

1.1. Bám sát Chủ đề ASEAN theo từng năm, tuyên truyền hoạt động của ASEAN trên cả 3 trụ cột, những đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vị thế của ASEAN

a) Trụ cột Chính trị - An ninh

- Tiếp tục đề cao vai trò của Trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN trong duy trì môi trường khu vực Hòa Bình, an ninh, ổn định, tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển, thịnh vượng của các quốc gia thành viên và người dân ASEAN.

- Tuyên truyền về tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của Việt Nam trong ASEAN, qua đó đóng góp củng cố đoàn kết, gắn kết và phát huy vai trò, tiếng nói của ASEAN trong xử lý các thách thức an ninh ở khu vực, đặc biệt là các thách thức phi truyền thống; đóng góp của Việt Nam trong việc tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác, thu hút sự quan tâm của các nước đối tác, đối thoại; việc triển khai các kế hoạch, sáng kiến đã thống nhất trong năm 2020 như: đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch Tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Triển khai Hiến chương ASEAN, phát triển tiểu vùng, v..v...;

-Tuyên truyền đề cao các nguyên tắc, giá trị và chuẩn mực của ASEAN nêu trong Hiệp ước TAC, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 08/8/2020 về tầm quan trọng của việc duy trì Hòa Bình và ổn định ở Đông Nam Á, coi đây là cơ sở để ASEAN tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực, ứng xử với các tác động từ bên ngoài; nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tạo ra sân chơi chung với luật chơi của ASEAN: thông qua các cơ chế do ASEAN kiểm soát với chương trình nghị sự do ASEAN xây dựng (ASEAN+, ADMM+, ARF, v.v.), từ đó góp phần thúc đẩy đối thoại, phối hợp giải quyết các thách thức an ninh mới nổi, hình thành cấu trúc an ninh khu vực mới với ASEAN đóng vai trò trung tâm điều phối.

- Tuyên truyền về hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có an ninh biển và an ninh mạng.

- Tuyên truyền, phản bác luận điệu xuyên tạc đối với chủ trương, chính sách của Việt Nam liên quan đến ASEAN.

b) Trụ cột Kinh tế

-Tuyên truyền đề cao cam kết của ASEAN đối với các cơ chế hợp tác đa phương, sự ủng hộ của Việt Nam và ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, bao trùm và cùng có lợi; sự tham gia chủ động, tích cực, có hiệu quả của ASEAN vào tiến trình cải tổ WTO; vai trò trung tâm, dẫn đất của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác ngoài khu vực; những nỗ lực nâng cao năng lực tự cường, chống chịu của kinh tế ASEAN trước tác động của đại dịch thông qua việc duy trì mở cửa thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao liên kết khu vực, tận dụng các thỏa thuận thương mại mà khu vực đang có, đưa ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn về thương mại và đầu tư của khu vực.

- Tuyên truyền về những đóng góp tích cực của Việt Nam trong vai trò một thành viên có trách nhiệm, chủ động, phối hợp chặt chẽ cùng các nước trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng trong hợp tác kinh tế nội khối cũng như triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối.

- Tuyên truyền việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, nhất là trong các lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng kinh tế bao trùm, tự cường và bền vững, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

- Tuyên truyền về nội dung cam kết và tình hình triển khai các FTA mà Việt Nam đang là thành viên (gồm các FTA nội khối ASEAN và FTA giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối, Hiệp định RCEP...), các cơ hội mà Việt Nam có thế mạnh tham gia trong ASEAN... nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước khai thác hiệu quả các FTA này mang lại, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, góp phần khắc phục hậu quả tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế; giới thiệu về tiềm năng thương mại và đầu tư của thị trường ASEAN; bên cạnh tuyên truyền về các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, cần mở rộng tuyên truyền sang các lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa thương mại và các lĩnh vực mới (thương mại điện tử, sáng tạo, chui cung ứng giá trị khu vực, cơ chế hải quan một cửa ASEAN).

[...]