Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1588/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1588/KH-UBND
Ngày ban hành 18/05/2021
Ngày có hiệu lực 18/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Đầu tư,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1588/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CỦA XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 (Nghị quyết số 35/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã xác định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 và các văn bản chỉ đạo liên quan phù hợp với tình hình địa phương.

2. Yêu cầu: Các Sở, ban ngành, địa phương xác định các chỉ tiêu xã hội hóa cần đạt được trên phạm vi quản lý và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ trên 8% số cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh (tương ứng với 33 cơ sở giáo dục ngoài công lập); số học sinh học tập tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 5%. Trong đó, khuyến khích mỗi huyện có ít nhất 01 trường dân lập, tư thục chất lượng cao.

- Huy động xã hội hóa và các nguồn tài trợ, viện trợ chiếm tỉ lệ trên 5% trong tổng chi cho lĩnh vực giáo dục.

- Có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên; trong đó, tự chủ hoàn toàn về chi phí chi hoạt động (ngoài lương và các khoản mang tính chất lương).

- Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh tăng cường liên doanh liên kết nhằm huy động nguồn lực, tăng tính hiệu quả trong đào tạo và giải quyết việc làm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CỦA XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông

- Tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách về xã hội hóa để tất cả các đối tượng liên quan (các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, đơn vị công lập, ngoài công lập và toàn xã hội) nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục, khắc phục và tiến tới xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử giữa khối công lập và khối ngoài công lập.

- Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về các chính sách của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tài trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục.

- Truyền thông sâu rộng trong xã hội các yêu cầu chuẩn đầu ra và kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục.

- Lồng ghép các nội dung tuyên truyền, động viên, khuyến khích người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, đóng góp, liên kết, tài trợ cho giáo dục trong các chương trình, hội nghị, sự kiện, hoạt động đối ngoại chính thức và ngoại giao nhân dân.

- Chú trọng thực hiện các hình thức ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, tổ chức có đóng góp, tài trợ cho giáo dục, tuyên dương và phát động nhân rộng những gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

2. Rà soát, tham mưu các chính sách

- Rà soát hệ thống các văn bản, chính sách về xã hội hóa, thu hút đầu tư trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã ban hành của tỉnh, phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, ban hành phù hợp; kịp thời cập nhật những chủ trương, định hướng mới về xã hội hóa giáo dục.

- Trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt mức thu các khoản thu dịch vụ phụ vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của các cơ sở giáo dục nhằm huy động nguồn lực nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục theo quy định pháp luật.

- Từng bước nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách đồng thời triển khai có hiệu quả các chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập(1) (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh.

3. Cải thiện môi trường đầu tư

- Rà soát các điều kiện đầu tư, các chính sách thuế, chính sách đất đai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư; rà soát ban hành danh mục thu hút đầu tư trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, minh bạch; giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

- Ưu tiên những vị trí thuận lợi trong quy hoạch sử dụng đất cho xây dựng các trường học, khu vui chơi giải trí cho người dân, trong đó ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư thành lập trường chất lượng cao.

[...]