Kế hoạch 158/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kết luận 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 158/KH-UBND
Ngày ban hành 16/12/2019
Ngày có hiệu lực 16/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Ngọc Căng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 51-KL/TW NGÀY 30/5/2019 CỦA BAN BÍ THƯ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XI VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Thực hiện Kế hoạch số 224-KH/TƯ ngày 30/9/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tiếp tục thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Kế hoạch 224), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch 22 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đặc biệt đáp ứng yêu cầu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (sau đây gọi tắt là Kết luận 51) nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng,cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận 51, Kế hoạch 244.

3. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tham gia vào quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương.

4. Yêu cầu tổ chức triển khai, thực hiện Kết luận 51, Kế hoạch 244 thường xuyên, liên tục, đồng bộ với tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 23/7/2014 của Tỉnh ủy (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động 51), Kế hoạch số 5447/KH-UBND ngày 24/11/2014 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tạo thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các sở, ngành, các cấp, các cơ quan có liên quan và cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết

- Quán triệt vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

- Tiếp tục tổ chức quán triệt, học tập nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Trung ương, Kết luận số 51 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Chương trình hành động số 51, Kế hoạch 224 của Tỉnh ủy để cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân hiểu được yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hoạt động đến đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận tin tưởng của xã hội.

- Tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh, cộng đồng, doanh nghiệp,... tiếp tục quan tâm đầu tư, đóng góp nhân lực, trí lực, tài lực, tâm lực để phát triển giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, trước hết là ưu tiên việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông; chú trọng đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển.

- Theo dõi, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục; chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc định hướng dư luận, cung cấp thông tin cho xã hội, giải đáp các vấn đề về đổi mới giáo dục mà xã hội đang quan tâm.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các sở, ban, ngành, Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Tiếp tục xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo có trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức, có lương tâm nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao trong việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên sẽ là những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.

- Triển khai có hiệu quả việc đổi mới nội dung chương trình giáo dục nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học; hài hòa các phẩm chất đức, trí, thể, mỹ; gắn kết dạy người, dạy chữ và dạy nghề theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Thực hiện dạy cách học, cách nghĩ; khuyến khích tự học; tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực bản thân.

- Đẩy mạnh các hoạt động nội khóa, ngoại khóa để thường xuyên rèn luyện giáo dục nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường; thực hiện tốt hoạt động chào cờ, hát quốc ca trong các cơ sở giáo dục; giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; bố trí học sinh trực tiếp tham gia hoạt động vệ sinh và ý thức bảo quản nhà vệ sinh, đảm bảo trường, lớp học sạch, đẹp, an toàn.

- Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác y tế trường học, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho học sinh; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhân cách, lý tưởng, ý thức khởi nghiệp và truyền thống cách mạng cho học sinh.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các sở, ban, ngành, Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

[...]