Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Quyết định 628/QĐ-TTg và Thông tri 23/TT-TU thực hiện Kết luận 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 112/KH-UBND
Ngày ban hành 03/07/2020
Ngày có hiệu lực 03/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Thương mại,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 03 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 628/QĐ-TTG NGÀY 11/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ THÔNG TRI SỐ 23/TT-TU CỦA TỈNH ỦY VỀ VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 51-KL/TW, NGÀY 30/5/2019 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 (KHÓA XI) VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tri số 23/TT-TU ngày 27/8/2019 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Kết luận số 51-KL/TW);

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 90/TTr-SGDĐT ngày 19/6/2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của địa phương và xã hội.

2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm “giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”.

3. Thực hiện Kết luận số 51-KL/TW phải bám sát việc thực hiện Thông tri số 23-TT/TU ngày 27/8/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thực hiện Kết luận số 51- KL/TW, Chương trình hành động số 66- CTr/TU ngày 27/4/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 27/4/2014 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh về đổi mới giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

2. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025

2.1. Giáo dục và đào tạo

Giáo dục mầm non: Đảm bảo các điều kiện cho phát triển tốt về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách; giữ vững 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, nâng tỷ lệ trẻ 3-4 tuổi ra lớp và giữ vững chất lượng phổ cập; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong cơ sở giáo dục mầm non < 6%.

Giáo dục phổ thông: 100% các trường phổ thông thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới; 100% các trường Tiểu học, THCS và THPT được đầu tư đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phòng học ngoại ngữ và tin học, ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại; 100% số trường có đủ 1 phòng học/lớp, có đủ phòng học bộ môn theo quy chuẩn, đủ nhà giáo dục thể chất, đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình Giáo dục phổ thông mới.

- 100% trường có công trình vệ sinh đạt chuẩn, đủ 1 phòng học/lớp; trường chất lượng cao, trường tổ chức học 2 buổi/ngày có bếp ăn, nhà bán trú đạt quy chuẩn.

- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu toàn ngành về học sinh, giáo viên, các kỳ thi và cơ sở vật chất.

- Đối với trường THPT Chuyên: 20% học sinh có khả năng học đại học bằng tiếng nước ngoài; 20% giáo viên sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp. Xây dựng cơ chế để phát triển mô hình giáo dục theo yêu cầu tại trường Chuyên.

2.2. Công tác phân luồng và xây dựng trường chuẩn quốc gia

70% trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó 10% trường đạt chuẩn mức độ 2; phấn đấu mỗi cấp học ở mỗi huyện, thành phố có 1 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn kiểm định mức độ 3.

Ít nhất 42% học sinh sau tốt nghiệp THCS, 50% học sinh sau tốt nghiệp THPT học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư

1.1. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 27/01/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong các tổ chức đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân; xác định và nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp trong việc thực hiện công tác giáo dục và đào tạo ở địa phương, đơn vị.

1.2. Cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng đồng thời chú trọng làm tốt việc xây dựng kế hoạch; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, tin tưởng của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

1.3. Kịp thời nắm bắt tâm tư, định hướng tư tưởng, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới giáo dục.

2. Tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên

2.1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Kế hoạch số 2297/KH-UBND ngày 05/4/2017 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2017-2020” trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 13/2/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường các giải pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch 70/KH-UBND ngày 23/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc .

[...]