Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 157/KH-UBND về tăng cường thực hiện giải pháp nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2023 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 157/KH-UBND
Ngày ban hành 09/06/2023
Ngày có hiệu lực 09/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/KH-UBND

Sơn La, ngày 09 tháng 06 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG NĂM 2023

Căn cứ kết quả (do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và các tổ chức có liên quan công bố ngày 12/4/2023) về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh Sơn La năm 2022. Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, giữ vững chỉ số nội dung đạt điểm cao, cải thiện, nâng cao chỉ số nội dung đạt điểm thấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân; đồng thời, phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế kết quả Chỉ số PAPI năm 2022 và cải thiện các chỉ số nội dung, nâng cao thứ hạng Chỉ số PAPI năm 2023, phấn đấu xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao trở lên.

2. Yêu cầu

Kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp; tập trung trọng điểm tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải đảm bảo thiết thực hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong quá trình thực hiện xác định mức độ hài lòng của cá nhân phải đảm bảo thực chất, phản ánh đúng thực trạng hiệu quả hoạt động của nền hành chính.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật; góp phần xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu phục vụ tổ chức và công dân tốt hơn.

II. NỘI DUNG

1. Nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”

Năm 2022, tỉnh Sơn La đạt 4,7769 điểm, thuộc nhóm điểm trung bình thấp, giảm 0,0231 điểm so với năm 2021. Có 02 nội dung thành phần tăng điểm là: “Tri thức công dân”,“Chất lượng bầu cử”; 02 nội dung thành phần giảm điểm: “Cơ hội tham gia”,“Đóng góp tự nguyện”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

a) Triển khai thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn về bầu cử; tuyên truyền, phổ biến thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tổ chức thực hiện tốt công tác bầu cử các chức danh lãnh đạo, người đại diện của tổ chức... ở cấp xã, bản, tiểu khu, tổ dân phố.

b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tập trung trọng tâm tuyên truyền đến người dân về những nội dung chính quyền phải công khai để người dân biết; nội dung người dân được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát và quyết định; nội dung người dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; nội dung người dân được quyền giám sát...phổ biến và mở rộng các kênh giao tiếp thông tin với người dân qua các hình thức ứng dụng trực tuyến, thư điện tử...

c) Tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc quyền của người dân. Đặc biệt, đối với những khoản đóng góp (xã hội từ thiện, xây dựng, sửa chữa công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới...), đảm bảo nguyên tắc dân chủ, do người dân quyết định thực hiện và quyết định mức đóng góp; có giám sát của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoặc Ban Thanh tra Nhân dân.

d) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Nội dung “Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách”

Năm 2022, tỉnh Sơn La đạt 5,0647 điểm, thuộc nhóm điểm trung bình thấp, tăng 0,3647 điểm so với năm 2021. Có 04 nội dung thành phần tăng điểm là: “Tiếp cận thông tin”,“Danh sách hộ nghèo”, “Thu chi ngân sách cấp xã/phường”,“Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất/giá đất bồi thường thu hồi đất”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

a) Thực hiện điều tra, rà soát, bình xét và công nhận đối tượng hộ nghèo hằng năm theo đúng quy định, hướng dẫn của tỉnh; thực hiện công khai danh sách hộ nghèo tại Trụ sở UBND cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng bản, tiểu khu, tổ dân phố, khu dân cư... đảm bảo quy định về thời gian công khai, nội dung công khai, địa điểm công khai. Công khai kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để Nhân dân biết, Nhân dân bàn, giám sát thực hiện.

b) Thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã. Bảo đảm việc niêm yết công khai danh mục thu, chi cụ thể để Nhân dân được biết và giám sát; việc công khai phải cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát. Tăng cường công tác giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã, các đoàn thể và Nhân dân; kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công.

c) Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở bản, tiểu khu, tổ dân phố. Thực hiện đúng quy định về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Tiếp thu đầy đủ, giải trình, thông tin kịp thời, xem xét điều chỉnh và công khai để người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

Thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

3. Nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”

Năm 2022, tỉnh Sơn La đạt 4,2188 điểm, thuộc nhóm điểm trung bình thấp, tăng 0,1388 điểm so với năm 2021. Có 02 nội dung thành phần tăng điểm là: “Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền”, “Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân”; 01 nội dung thành phần giảm điểm là “Tiếp cận dịch vụ tư pháp”. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện như sau:

a) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo, pháp luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn. Cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách tại UBND phường, xã, thị trấn thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ, thường xuyên theo quy định; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân.

b) Tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư khi phát sinh nội dung, vấn đề bức xúc trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo Điều 125 Luật Tổ chức chính quyền địa phươngvà những nội dung khác người dân quan tâm và UBND phường, xã, thị trấn xác định cần tổ chức đối thoại.

c) Các dự án đầu tư, công trình do Nhân dân đóng góp xây dựng, do Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho phường, xã, thị trấn cần phải có sự tham gia giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

[...]