Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1564/KH-UBND thực hiện Quyết định 1968/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 1564/KH-UBND
Ngày ban hành 17/03/2022
Ngày có hiệu lực 17/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1564/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1968/QĐ-TTG NGÀY 22/11/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH KHUNG GIAI ĐOẠN 2022-2025

Triển khai thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” và Công văn số 8425/BCT-XTTM ngày 28/12/2021 của Bộ Công Thương về việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện "Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030"; UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022-2025, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

b) Hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đẩy mạnh kinh tế thương mại của tỉnh.

c) Các Sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ, thiết thực và có hiệu quả.

2. Yêu cầu

a) Bám sát các văn bản chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh có liên quan đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Các chương trình chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; trong đó tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; các sản phẩm tiềm năng có thế mạnh, các sản phẩm OCOP của tỉnh.

b) Có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp nhằm đem lại hiệu quả thiết thực cho Chương trình.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… của tỉnh Quảng Nam trên cơ sở kết nối, đồng bộ với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

b) Nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển, tìm kiếm các cơ hội thương mại trong và ngoài nước.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Xây dựng, hoàn thành cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và các ngành hàng thương mại và xuất khẩu trọng điểm của tỉnh vào Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

b) 100% tổ chức xúc tiến thương mại và 100% doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 20% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

c) 10% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh được tổ chức trên môi trường số.

d) 100% các tổ chức xúc tiến thương mại; 100 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh và cán bộ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố được tham gia tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ, cập nhật các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

e) 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

f) 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, 100% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ, giải pháp năm 2022

1.1. Tổ chức đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong Xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam:

Phối hợp Bộ Công Thương xây dựng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch thuê chuyên gia đánh giá hiện trạng và năng lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong XTTM cho các tổ chức XTTM, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ đưa ra các giải pháp quản lý, các hoạt động hỗ trợ tham gia Hệ sinh thái XTTM số, các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM cho phù hợp với tình hình của tỉnh Quảng Nam.

1.2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại nhằm kết nối hiệu quả với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

a) Lập danh sách tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam có nhu cầu tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; phối hợp Bộ Công Thương hướng dẫn tổ chức xúc tiến, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tài khoản sau khi Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số được xây dựng xong; tích hợp các cơ sở dữ liệu, thông tin về xúc tiến thương mại của tỉnh lên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hướng dẫn doanh nghiệp mở tài khoản, khai thác thông tin và chia sẻ dữ liệu.

[...]