Kế hoạch 152/KH-UBND năm 2024 xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung và triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030

Số hiệu 152/KH-UBND
Ngày ban hành 03/10/2024
Ngày có hiệu lực 03/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Lại Văn Hoàn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/KH-UBND

Thái Bình, ngày 03 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TẬP TRUNG VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Luật Thú y năm 2015, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; quy hoạch các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở chế biến sản phẩm động vật tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030; căn cứ thực trạng hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung và triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung và thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi theo trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh được giao tại Luật Thú y năm 2015 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023; số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023.

2. Yêu cầu

- Xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung đối với lợn và triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 phù hợp với mục tiêu phát triển theo quy hoạch tỉnh Thái Bình và phát huy tiềm năng, lợi thế của các cơ sở giết mổ động vật hiện có.

- Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các khâu: Chăn nuôi - giết mổ - chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

- Tổ chức thực hiện kiểm soát giết mổ động vật phải đảm bảo đúng quy trình trước khi đưa sản phẩm ra kinh doanh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ

- Xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật theo lộ trình giảm dần những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, áp dụng công nghiệp giết mổ phù hợp với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và điều kiện thực tế của các địa phương.

- Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo các quy định của pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; được quản lý và thực hiện kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

- Xây dựng các cơ sở chế biến, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và hướng đến xuất khẩu.

2. Lộ trình thực hiện

a) Đến năm 2025

- Kiểm tra, rà soát, sắp xếp giảm dần những cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư không đáp ứng các điều kiện của cơ sở giết mổ theo quy định (đăng ký kinh doanh, vệ sinh thú y, môi trường,...); khuyến khích các cơ sở giết mổ lợn có điều kiện, năng lực cải tạo, nâng cấp mở rộng quy mô hoặc xây mới hạ tầng cơ sở giết mổ đảm bảo các điều kiện theo quy định. Phấn đấu giảm từ 30% trở lên số cơ sở giết mổ lợn hiện có trên địa bàn tỉnh - tương đương với giảm được từ 330 cơ sở giết mổ lợn trở lên (chi tiết tại mục 1 của Phụ lục kèm theo).

- Rà soát, lựa chọn, quy hoạch đất để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung áp dụng công nghiệp giết mổ hiện đại, thiết bị tiên tiến tại huyện Thái Thụy và huyện Vũ Thư và cơ sở chế biến gắn với thị trường sản phẩm chăn nuôi tại thành phố Thái Bình[1].

- Thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định.

b) Đến năm 2030

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp, hằng năm giảm được từ 14% số cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ hiện có, khuyến khích cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở giết mổ lợn; phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh còn khoảng 196 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ có đủ các điều kiện theo quy định và được thực hiện kiểm soát giết mổ (chi tiết tại mục 2 của Phụ lục kèm theo).

- Xây dựng 03 cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện: Thái Thụy, Vũ Thư, Quỳnh Phụ và 03 cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi tại thành phố Thái Bình,[2] huyện Đông Hưng và huyện Vũ Thư; phấn đấu 100% sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tại cơ sở giết mổ có kiểm soát [3].

- Phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại; xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng và trung tâm giao dịch, đấu giá sản phẩm chăn nuôi[4].

3. Giải pháp thực hiện

a) Tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

- Tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở giết mổ lợn thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sắp xếp lại các cơ sở giết mổ lợn theo hướng hoạt động giết mổ lợn chỉ được thực hiện tại các cơ sở đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; quá trình giết mổ đảm bảo đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và được kiểm soát giết mổ động vật theo quy định.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về điều kiện thực hiện hoạt động giết mổ động vật; quản lý an toàn thực phẩm; tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đối với sức khỏe con người; không tiếp tay cho các hành vi sản xuất kinh doanh trái quy định của pháp luật, không theo chỉ đạo của chính quyền địa phương; đảm bảo giết mổ an toàn để bảo vệ sức khoẻ người dân và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho sản xuất chăn nuôi của người dân địa phương.

[...]