Kế hoạch 329/KH-UBND năm 2024 triển khai Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 329/KH-UBND
Ngày ban hành 10/10/2024
Ngày có hiệu lực 10/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 329/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 10 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Về giết mổ gia súc, gia cầm

- Phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa[1].

- Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 70%.

b) Về chế biến thịt, trứng và sữa

- Phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới[2].

- Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25% đến 30%.

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt 5%/năm.

- Về trình độ công nghệ: Từng bước nâng cao đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục phát triển các cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng từ 15% tăng lên 25 - 30%; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ khoảng 53% giảm còn 45-50%; tỷ lệ cơ sở trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu từ khoảng 32% giảm còn 20 - 25%.

c) Về phát triển thị trường: Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 0,27 tỷ USD vào năm 2025.

2.2. Mục tiêu từ năm 2026 - 2030

a) Về giết mổ gia súc, gia cầm

- Tiếp tục phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa (định hướng đến năm 2030 có 17 cơ sở giết mổ gia súc và 05 cơ sở giết mổ gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp).

- Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70% và 80%.

b) Về chế biến thịt, trứng và sữa

- Tiếp tục phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới.

- Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 40% đến 50%.

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt 8%/năm.

- Về trình độ công nghệ: Từng bước nâng cao đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục phát triển các cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng 50 - 55%; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ 35 - 40%; tỷ lệ cơ sở trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu từ 5 - 10%.

c) Về phát triển thị trường: Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 0,38 tỷ USD vào năm 2030.

[...]