Kế hoạch 152/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2021

Số hiệu 152/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2021
Ngày có hiệu lực 24/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/KH-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH AN GIANG NĂM 2021

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 09/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg; trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung triển khai Chu trình OCOP;

Căn cứ Thông tư số 43/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ Tài chính sa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định 1625/QĐ-UBND ngày 3/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt OCOP_AG);

Căn cứ Kế hoạch số 557/KH-UBND ngày 12/9/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện “Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-UBND ngày 12/11/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2021 với những nội dung chủ yếu, như sau:

I. Kết quả thực hiện triển khai Đề án OCOP đến năm 2020

1. Công tác triển khai thực hiện Đề án

Tổ chức thành công 03 đợt đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh với 49 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Kết quả có 42 sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên; Trong đó, có 26 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao đến từ 28 chủ thể kinh tế (12 hộ sản xuất kinh doanh, 13 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã), và 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đang đề xuất Trung ương đánh giá và xem xét công nhận sản phẩm cho 02 doanh nghiệp. Kết quả này là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Các sản phẩm thuộc 04 nhóm ngành hàng: thực phẩm (33 sản phẩm); đồ uống (07 sản phẩm); thảo dược (01 sản phẩm); lưu niệm, nội thất và trang trí (01 sản phẩm).

2. Công tác tuyên truyền, tập huấn

Tổ chức 10 lớp tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và các chủ thể kinh tế ở các địa phương với 2.000 lượt người tham dự, nội dung tập huấn về Chương trình OCOP; Lắp đặt 11 pano tuyên truyền thực hiện Chương trình OCOP; Thực hiện 07 chuyên mục phóng sự về sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên phát trên Đài phát thanh truyền hình An Giang và đưa 34 tin, bài về sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên Báo An Giang; Biên soạn, phát hành tài liệu, tập gấp về sản phẩm OCOP, combo quà tặng từ sản phẩm OCOP.

3. Công tác xúc tiến thương mại

- Đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu; kết quả đã kết nối được nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào hệ thống siêu thị. Cụ thể, tỉnh đã tham gia các hội chợ, triển lãm tổ chức trưng bày sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và sản phẩm đặc sản tại các sự kiện do Văn phòng Nông thôn mới Trung ương tổ chức tại TpHCM, Bến Tre, Bạc Liêu, Nam Định, Hà Nội, Đồng Tháp. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có thông tin, giới thiệu các sự kiện kết nối giao thương, xúc tiến thương mại đến các chủ thể kinh tế có các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và sản phẩm đặc sản tham gia các kỳ hội chợ, hệ thống siêu thị và các sự kiện liên quan khác tại các tỉnh, thành bạn tổ chức (Lào Cai, Lâm Đồng, Tây Nguyên, …).

- Hỗ trợ xây dựng 02 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP - Đặc sản tỉnh An Giang tại thành phố Long Xuyên và huyện Tịnh Biên.

4. Đánh giá chung

4.1. Ưu điểm

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương; sự phối hợp vào cuộc của các ngành, các cấp, cộng đồng người dân địa phương trong các hoạt động triển khai của Đề án.

- Sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Các chủ thể kinh tế tham gia cuộc thi ngày càng chú trọng hơn trong các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng.

4.2. Khó khăn, hạn chế

- Về hệ thống điều hành chung của Chương trình OCOP là Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương trong đó đơn vị trực tiếp tham mưu là Văn phòng nông thôn mới các cấp. Tuy nhiên, đối với An Giang thì giao Sở Nông nghiệp và PTNT là đơn vị thường trực và Chi Cục Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu chính nên rất khó khăn trong triển khai một cách thường xuyên đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt từ Ban chỉ đạo các cấp, sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương và các sở ngành liên quan chưa nhiều.

- Mặc dù bước đầu có sự quan tâm của một một số ngành, địa phương nhưng sự vào cuộc triển khai thực hiện chưa nhiều và chưa nhận thấy đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần đảm bảo nhóm tiêu chí về kinh tế, thu nhập trong thời gian tới. Xuất phát từ khó khăn trong chỉ đạo điều hành, một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc triển khai Đề án. Cụ thể, chỉ có 01 lãnh đạo UBND huyện dự Hội nghị triển khai cấp tỉnh và 01 lãnh đạo UBND huyện dự trong 08 Hội nghị cấp huyện triển khai ở các địa phương. Vì vậy công tác triển khai thực hiện thời gian qua như phân công nhân sự, xây dựng kế hoạch, rà soát đề xuất sản phẩm và tổ chức Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện thực hiện khá chậm.

- Về tuyên truyền: Chủ yếu do ngành nông nghiệp triển khai tại các cuộc hội nghị, tập huấn về OCOP nhưng sự tham gia chưa nhiều của các cơ quan đoàn thể trong công tác vận động tuyên truyền về thực hiện chương trình này.

- Về nhân sự tham gia thực hiện: Tất cả nhân sự trực tiếp triển khai đều kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa được đào tạo đầy đủ về các nội dung liên quan đến chương trình. Nội dung chương trình này còn rất mới nên trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng đặc biệt là rà soát đề xuất sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm.

- Các chính sách hỗ trợ các sản phẩm OCOP hiện nay chủ yếu là lồng ghép từ nhiều Chương trình, dự án, kế hoạch nên còn nhiều sự chồng chéo, chưa phát huy hết hiệu quả các chính sách; Sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, bao bì, nhãn mác tuy được đa dạng nhưng vẫn còn thô sơ, chưa được chuẩn hóa hoàn thiện theo xu hướng thị trường hiện nay; Khả năng xúc tiến thương mại của cơ sở, doanh nghiệp còn yếu, các cơ sở làm nghề chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng của mình; liên kết hoặc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp chưa thật sự bền vững.

- Các địa phương, tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đúng mức, chưa chú trọng nhiều đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chế biến, sản xuất, phân phối, quảng bá sản phẩm trên môi trường điện tử, nên giá trị mang lại của các sản phẩm OCOP chưa cao, chưa thu hút được người tiêu dùng.

[...]