Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 15/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Số hiệu 15/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2021
Ngày có hiệu lực 18/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Thế Phước
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/KH-UBND

Yên Bái, ngày 18 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, đảm bảo phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2021, gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản có hiệu quả với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật trên cạn và thủy sản trong diện hẹp; nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

- Tăng cường quản lý nhà nước về công tác thú y, thủy sản; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm ở động vật lây nhiễm sang người.

- Tiếp tục khống chế và tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc gia cầm, thủy sản góp phần phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh cần được chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động toàn dân tích cực tham gia thực hiện.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản tuân theo quy định của Luật thú y, văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh. Tổ chức phòng, chống dịch bệnh phải kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực.

- Thực hiện đảm bảo tiến độ, thời gian và nội dung của kế hoạch, đúng đối tượng, an toàn hiệu quả.

- Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản.

- Các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, phường, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG

A- PHÒNG CHNG DỊCH BỆNH ĐỊNH KỲ

1. Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm định kỳ

a) Tiêm phòng các loại vắc xin

- Phạm vi tiêm phòng: Tiêm phòng cho đàn vật nuôi 173/173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đối tượng và vắc xin tiêm phòng.

+ Đàn trâu, bò: Tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng và vắc xin lở mồm long móng.

+ Đàn lợn: Tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng (dịch tả lợn và vắc xin kép tụ huyết trùng, phó thương hàn lợn).

+ Đối với đàn chó: Tiêm vắc xin phòng bệnh dại chó.

- Thời gian tiêm phòng: Tiêm phòng 02 đợt chính (đợt I vào tháng 3, 4; đợt II vào tháng 9, 10 năm 2021).

- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu, bò, lợn đạt 100% trong diện tiêm phòng (vắc xin lở mồm long móng phải được tiêm nhắc lại lần hai sau 28 ngày đối với những gia súc tiêm lần đầu tiên); đối với vắc xin dại chó đảm bảo đạt tỷ lệ trên 70% tổng đàn chó trên địa bàn; các thôn, xã, phường, thị trấn có lưu hành bệnh Dại phải tiêm phòng trên 85% tổng đàn chó nuôi.

Sau mỗi đợt tiêm chính, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức rà soát số lượng gia súc, gia cầm mới nuôi, tái đàn hoặc chưa được tiêm phòng để tiêm phòng bổ sung.

[...]