Kế hoạch 675/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 675/KH-UBND
Ngày ban hành 20/12/2020
Ngày có hiệu lực 20/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Trọng Yên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 675/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 20 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Thực hiện Công văn số 4757/BNN-TY ngày 16/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cụ thể như sau:

A. MỤC TIÊU

- Chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Khi dịch bệnh xảy ra nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng và thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định.

- Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản từ đó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao hiệu quả sản xuất trong chăn nuôi.

B. NỘI DUNG

I. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

1. Công tác tuyên truyền

- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao hiểu biết của người dân về các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản; dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh; biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm để người dân tự bảo vệ bản thân, cộng đồng; các quy định về phòng, chống dịch bệnh để người dân kịp thời khai báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi phát hiện gia súc, gia cầm và thủy sản mắc bệnh.

- Xây dựng biển quảng cáo và in ấn tờ rơi để cấp phát cho người chăn nuôi, niêm yết ở nơi công cộng (chợ, nơi hội họp).

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về giám sát, xử lý ổ dịch cho cán bộ làm công tác thú y tại địa phương và tổ chức hội nghị tổng kết công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của địa phương và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

2. Công tác giám sát dịch bệnh

- Duy trì đường dây điện thoại nóng tại Chi cục Phát triển nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Gia Nghĩa, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố Gia Nghĩa để tiếp nhận thông tin dịch bệnh kịp thời, đồng thời cử cán bộ giám sát địa bàn thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát dịch bệnh đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

- Chủ động lấy mẫu xét nghiệm để xác định các mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc ... có thể tồn tại trong môi trường, nhất là những ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao hoặc lấy mẫu đột xuất tại những khu vực có nguy cơ cao, đàn vật nuôi mới đưa vào địa bàn, từ đó có biện pháp phòng, ngăn chặn không để dịch bùng phát, lây lan.

- Khi phát hiện gia súc, gia cầm và thủy sản mắc bệnh và nghi ngờ mắc các bệnh thuộc danh mục phải công bố dịch, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xác định dịch bệnh theo đúng quy định.

- Chủ động điều tra dịch bệnh bằng việc thường xuyên kiểm tra, giám sát môi trường nuôi thủy sản (quan trắc môi trường nước tại khu vực nuôi), mẫu huyết thanh, Swash và mẫu môi trường tại các trang trại chăn nuôi, chợ buôn bán động vật và các cơ sở giết mổ động vật và lấy mẫu kiểm tra bệnh phẩm để sớm phát hiện mầm bệnh, tiến hành bao vây dập tắt dịch khi có dịch xảy ra.

- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa, thực hiện giám sát định kỳ đối với một số bệnh quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

- Hướng dẫn các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật để thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh.

3. Công tác tiêm phòng vắc xin

3.1. Tiêm phòng vắc xin Dại cho chó mèo

a) Đối tượng tiêm phòng vắc xin Dại bắt buộc: Chó, mèo, động vật cảm nhiễm khác.

b) Phạm vi, thời gian tiêm phòng: Triển khai tiêm phòng trên phạm vi toàn tỉnh, tổ chức tiêm phòng đợt chính vào tháng 2, tháng 3 năm 2021 và hàng tháng tiến hành tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc hết thời gian miễn dịch. Địa điểm tiêm bổ sung tại Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp các huyện, thành phố Gia Nghĩa do nhân viên thú y xã, người hành nghề thú y thực hiện.

c) Hình thức tổ chức tiêm phòng

- Triển khai đợt tiêm phòng chính, tổ chức tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn hoặc phân chia thành từng cụm để triển khai tiêm phòng đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra.

- Ngoài ra, hàng tháng tiêm phòng bổ sung: Địa điểm do nhân viên Thú y cấp xã và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp các huyện, thành phố Gia Nghĩa bố trí, sắp xếp. Người dân chủ động đăng ký tại các địa điểm trên để được tiêm phòng bổ sung cho đàn chó nuôi của gia đình.

d) Cơ chế tài chính

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ vật tư triển khai công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi, vắc xin và tiền công tiêm phòng, chi phí triển khai tiêm phòng cho chó, mèo nuôi của các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

[...]