Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2021 về ngăn chặn và phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 68/KH-UBND
Ngày ban hành 04/03/2021
Ngày có hiệu lực 04/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 04 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

NGĂN CHẶN VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ

Thực hiện nội dung Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 và Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò.

Để chủ động ngăn chặn và phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh như sau:

I. THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ BỆNH VDNC

1. Đặc điểm của bệnh

Bệnh VDNC (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%; tỷ lệ chết khoảng 1-5%; triệu chứng chính của bệnh bao gồm: sốt cao (có thể trên 41°C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2-5cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu; các biện pháp phòng, chống bệnh chính bao gồm chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh và tiêm phòng cho trâu, bò.

2. Tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam

Bệnh VDNC lần đầu tiên được phát hiện và mô tả tại Zambia vào năm 1929, sau đó dịch bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu khắp các Châu lục. Đến nay, bệnh VDNC là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi. Từ năm 2012, bệnh đã lây lan nhanh sang khu vực Trung Đông, Đông Nam Châu Âu, Ban-căng, biên giới Á - Âu, Nga và Kazakhstan. Bệnh VDNC đã xảy ra trên diện rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi có tới 131 ổ dịch được ghi nhận trong năm 2019.

Tại Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên được ghi nhận vào tháng 8/2019 tại khu vực Tân Cương, tháng 7/2020 tại tỉnh Quảng Tây đã ghi nhận 5 ổ dịch bệnh VDNC (chỉ cách tỉnh Cao Bằng khoảng 200 km); tính đến ngày 13/9/2020, tổng số đã phát hiện 14 ổ dịch bệnh VDNC tại nước này.

Tại Việt Nam dịch bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện từ tháng 10/2020, đến ngày 25/02/2021 đã xảy ra tại 163 xã, 65 huyện của 18 tỉnh với tổng số gia súc mắc bệnh là 2.240 con, số gia súc đã tiêu hủy 267 con, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến ngày 25/02/2021 chưa phát hiện có gia súc mắc bệnh.

II. TÍNH CẤP THIẾT

Nguy cơ bệnh VDNC tiếp tục lây lan nhanh, rộng ở trong nước và xâm nhập vào tỉnh Thừa Thiên Huế là rất cao do: Bệnh lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu và tiêm phòng thử nghiệm vắc xin ở một số tỉnh); dịch bệnh lây lan nhanh do các véc tơ truyền bệnh (gồm ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh,...); việc chăn nuôi trâu, bò thiếu an toàn sinh học, chủ yếu chăn thả chung trên các bãi chăn còn phổ biến; nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò ngày càng tăng; thời tiết thay đổi thất thường; điều kiện chăn nuôi của các hộ, nhất là tại các huyện miền núi còn hạn chế, khó áp dụng các biện pháp để chủ động phòng bệnh.

III. MỤC TIÊU

1. Chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh VDNC.

2. Xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát hiện, không để lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh.

IV. CÁC TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tình huống 1: Khi chưa phát hiện bệnh VDNC

1.1. Mục tiêu cụ thể:

Giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh VDNC vào tỉnh, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời nếu vi rút xâm nhập vào địa bàn.

1.2. Giải pháp

1.2.1. Công tác chỉ đạo

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung phòng, chống dịch bệnh VDNC theo Luật Thú y, Công điện số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020, Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh và Kế hoạch này.

- Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, các địa phương có nhiều khách du lịch.

1.2.2. Công tác kiểm soát vận chuyển

- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

- Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện những trường hp vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò; khi phát hiện thực hiện tiêu hủy đối với các loại trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép vào tỉnh.

- Tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các tỉnh đã và đang có dịch bệnh mang trâu bò, sản phẩm trâu, bò vào tỉnh.

[...]