Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Kế hoạch 15/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Số hiệu 15/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2017
Ngày có hiệu lực 07/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Dương Thành Trung
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 07 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT NGĂN CHẶN HÀNH VI ĐƯA TẠP CHẤT VÀO TÔM NGUYÊN LIỆU VÀ SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM TÔM CÓ TẠP CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

Thực hiện Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Kế hoạch số 9294/KH-BNN-QLCL ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn các hành vi đưa tạp chất vào tôm, sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất và tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Ngăn chặn triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến hết năm 2017, yêu cầu các chỉ số cần đạt như sau:

+ 100% cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ.

+ 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tôm có chứa tạp chất.

- Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn toàn tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

- Đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ tôm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và ngăn chặn các hành vi vi phạm về đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

- Tuyên truyền, giáo dục, vận động người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ, hiểu đúng về các quy định an toàn thực phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tôm bảo đảm đáp ứng về an toàn thực phẩm và không có tạp chất.

- Thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến tôm vi phạm hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

- Tổ chức triển khai cho tất cả các cơ sở thực hiện ký cam kết không thu mua tôm có tạp chất và tổ chức bơm chích tạp chất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:

- Tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng có liên quan về: Nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất; cách thức nhận biết sản phẩm tôm có tạp chất và tố giác hành vi vi phạm về tạp chất; các chế tài xử lý phải chấp hành khi bị phát hiện vi phạm về tạp chất.

- Thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm về tạp chất.

- Tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không vi phạm về tạp chất, công bố công khai các cơ sở đã ký cam kết theo địa bàn.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản tiêu thụ nội địa trên địa bàn tỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với, Công an tỉnh, Sở Công Thương thực hiện:

+ Tổ chức thanh tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm tạp chất; hoạt động thanh tra liên ngành thực hiện dựa trên việc thu thập và xử lý nguồn thông tin trinh sát của ngành Công an, các kênh tiếp nhận tố giác vi phạm tạp chất của các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xử lý theo quy định.

+ Khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, đề nghị Sở Tài chính tham mưu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép các cơ quan trực tham gia làm nhiệm vụ ngăn chặn tạp chất sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính về vi phạm tạp chất để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.

2. Công an tỉnh chịu trách nhiệm:

- Tổ chức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, trinh sát để đấu tranh phòng ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và đột xuất để điều tra, xác minh cụ thể hành vi vi phạm tạp chất để xử lý theo quy định pháp luật.

[...]