Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2022 về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 167/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2022
Ngày có hiệu lực 28/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/KH-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Thực hiện Công văn số 198/TTg-NN ngày 25/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Nhằm tổ chức triển khai cụ thể nội dung Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững nêu trên tại tỉnh An Giang, đồng thời, để có sự liên kết, hỗ trợ một cách đồng bộ, thống nhất chặt chẽ giữa địa phương và các Bộ, ngành Trung ương, qua đó, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể cho các ngành chuyên môn ở địa phương tham mưu triển khai thực hiện.

Kế hoạch triển khai cần có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị cùng tham gia, nhà nước tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và người dân phát triển sản xuất và hoạt động kinh doanh kinh tế nông nghiệp, nông thôn thông qua sự hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách theo quy định.

Căn cứ vào Kế hoạch này, các Sở, ngành và cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng nội dung triển khai theo phân công. Đối với các nội dung/Chương trình/dự án/đề án/Kế hoạch …đang thực hiện, đã có chủ trương, được phê duyệt thì khẩn trương tổ chức triển khai, triển khai lồng ghép vào nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương mình; đối với các đầu công việc, nội dung mới được giao thì đơn vị phải chủ động chi tiết khối lượng công việc, kèm theo dự toán kinh phí, giải pháp triển khai và trình cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định.

Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh An Giang nằm trong Kế hoạch của Bộ, ngành Trung ương và của Vùng về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; vì vậy, nguồn lực triển khai Kế hoạch của tỉnh An Giang được huy động từ các nguồn của Trung ương, vùng, địa phương, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050 TỈNH AN GIANG

1. Mục tiêu chung

Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệmtăng sức cạnh tranh cao. Thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân. Phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tự nhiên, huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số, các sản phẩm nông sản tham gia rộng rãi trên các sản thương mại điện tử.

Xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn, tạo việc làm như kinh tế nhà vườn, kinh tế kết hợp, kinh tế phụ…vvv qua đó, nhằm giảm di cư, ổn định xã hội, nâng cao thêm thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân và dân cư nông thôn.

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai - dịch bệnh, đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến đến mục tiêu nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021- 2030

(1) Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,8 - 3%/năm, (trong đó, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tăng bình quân 3%/năm; thủy sản tăng bình quân 3,5-4,5%/năm).

(2) Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi chiếm từ 72-74% (giảm 2-4% so với năm 2020), lâm nghiệp chiếm khoảng 01% (giữ ổn định) và thủy sản chiếm từ 25-27% (tăng khoảng 3-5%).

(3) Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 230 triệu đồng/ha (tăng khoảng 38 triệu đồng/ha so với năm 2020).

(4) Giảm diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 2,5-2,8%/năm. Đồng thời, sản lượng lúa bình quân 3,0 - 3,5 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao hơn 80% tổng sản lượng.

(5) Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 315 triệu USD/năm, cả giai đoạn 2021-2030: đạt 3.150 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu khoảng 500-600 ngàn tấn/năm.

(6) Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 330 triệu USD/năm, cả giai đoạn 2021-2030: đạt 3.300 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu khoảng 110-120 ngàn tấn/năm.

(7) Kim ngạch xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 20 triệu USD, cả giai đoạn 2021-2030: đạt 200 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu 10-12 ngàn tấn/năm.

(8) Duy trì tỷ lệ che phủ của rừng và cây phân tán ổn định 22,4% (tỷ lệ che phủ rừng 3,5% và tỷ lệ che phủ cây phân tán ổn định với tỷ lệ 18,9%).

(9) Đối với phát triển vùng bảo tồn, trồng và khai thác dược liệu: Ổn định vùng bảo tồn nhằm cấm khai thác cây dược liệu là 500 ha và phát triển vùng trồng và khai thác dược liệu trên địa bàn tỉnh khoảng 1.071 ha.

(10) Nông thôn mới: có ít nhất từ 89 - 95/116 xã đạt chuẩn “xã nông thôn mới”; có 30 - 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Có ít nhất 06/11 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới nâng cao.

(11) Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 01-1,2%/năm; giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân giảm bình quân dưới 1%. Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 3% - 4%/năm.

(12) Đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 100%. Đến năm 2030, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 100%.

[...]