Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 136/KH-UBND
Ngày ban hành 05/08/2015
Ngày có hiệu lực 05/08/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trần Thị Thái
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 05 tháng 8 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2015 – 2025

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01 tháng 06 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp; định hướng sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời và có chất lượng.

- Chuyển Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) theo hướng từ việc chủ yếu cung cấp dịch vụ TGPL như hiện nay thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL; tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.

2. Yêu cầu

Xác định rõ nhiệm vụ của Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan trong việc phối hợp triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025; chuẩn bị tốt các nguồn lực để đảm bảo triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án.

II. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ giai đoạn từ nay đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực

a) Về hoạt động TGPL: Nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng.

b) Về tổ chức TGPL nhà nước: Duy trì tổ chức thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo Quyết định số 749/QĐ-UBND-HC ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Tỉnh và Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh Đồng

Tháp xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cụ thể:

- Xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn bảo đảm Trung tâm có 02 bộ phận gồm: (1)Bộ phận trực tiếp thực hiện TGPL là các Trợ giúp viên pháp lý; (2)Bộ phận quản lý nghiệp vụ tạo tiền đề để chuyển Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL và dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện TGPL ở giai đoạn sau. Theo đó, sắp xếp giảm 15% tổng số biên chế được duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-UBND-HC ngày 24 tháng 8 năm 2010 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

- Đối với Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL: Không thành lập mới Chi nhánh, tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của 02 chi nhánh hiện có. Đối với các Câu lạc bộ TGPL đang tồn tại nhưng hoạt động không hiệu quả thì Sở Tư pháp có phương án giải thể hoặc sáp nhập với các Câu lạc bộ khác ở địa phương để tăng cường hiệu quả hoạt động.

c) Về xã hội hóa hoạt động TGPL: Củng cố, rà soát đội ngũ luật sư hiện là Cộng tác viên của Trung tâm, tiếp tục huy động luật sư có kinh nghiệm, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL để người dân có quyền tiếp cận hoạt động TGPL với chất lượng cao; thực hiện tốt các chính sách liên quan đến chế độ tài chính, hợp đồng cung cấp dịch vụ, nhằm khuyến khích luật sư thực hiện TGPL đạt hiệu quả.

d) Về đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý:

- Rà soát đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý hiện có, trên cơ sở điều kiện thực tế, nhu cầu TGPL để xác định số lượng Trợ giúp viên pháp lý cần thiết; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ TGPL (nhất là kỹ năng tranh tụng). Nâng cao chất lượng tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý thông qua việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng hàng năm cho mỗi Trợ giúp viên pháp lý.

- Thực hiện cơ chế chuyển đổi các Trợ giúp viên pháp lý thành luật sư (nếu có nguyện vọng) và ưu tiên ký hợp đồng để thực hiện TGPL.

đ) Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng vụ việc TGPL:

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và sử dụng cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý chất lượng vụ việc TGPL và các hoạt động liên quan theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

2. Nhiệm vụ giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025

a) Về hoạt động TGPL: Tăng cường thực hiện TGPL trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính; cung cấp dịch vụ đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng.

b) Về mô hình, tổ chức TGPL nhà nước: Hoàn tất các thủ tục, chính thức chuyển Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL; tiếp tục thực hiện giảm biên chế sự nghiệp tại Trung tâm tới mức 50% tổng số hiện tại, chuyển việc cung cấp dịch vụ TGPL sang tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện.

c) Về người thực hiện TGPL: Trước năm 2025, người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Sau năm 2025, người thực hiện TGPL là luật sư (đã hoàn tất quá trình chuyển đổi Trợ giúp viên pháp lý thành luật sư); ký hợp đồng thường xuyên (luật sư công thực hiện TGPL) hoặc hợp đồng vụ việc (luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ TGPL).

- Về đối tượng được TGPL: Thực hiện việc mở rộng đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; nạn nhân bạo lực gia đình, trẻ em dưới 18 tuổi, những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định của pháp luật.

II. GIẢI PHÁP

[...]