Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 749/QĐ-TTg
Ngày ban hành 01/06/2015
Ngày có hiệu lực 01/06/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 749/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2015 - 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 với những nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường; chuyển các Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) theo hướng từ việc chủ yếu cung cấp dịch vụ TGPL hiện nay thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực

- Duy trì các Trung tâm theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn đội ngũ luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu TGPL thì tăng cường năng lực cho các Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm đủ trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng; bố trí đủ kinh phí cho hoạt động TGPL, trong đó tập trung vào thực hiện vụ việc TGPL đặc biệt là tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình. Trung tâm chỉ thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động TGPL; không thành lập mới Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh), Câu lạc bộ TGPL, thực hiện rà soát Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL để có giải pháp sáp nhập, giải thể.

- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, tăng cường xã hội hóa công tác TGPL bằng việc thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL, thẩm định chất lượng theo hợp đồng thường xuyên hoặc theo vụ việc gắn với việc tăng cường kiểm tra chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL, bảo đảm những người được TGPL được hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng tương đương với dịch vụ của luật sư cung cấp trên thị trường.

- Nghiên cứu, xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa tiến tới ở giai đoạn sau năm 2025 chỉ có luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ TGPL, có lộ trình chuyển các Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL; thực hiện việc tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế của Trung tâm trước năm 2025; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.

b) Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025

- Triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua. Tiếp tục duy trì Trung tâm ở các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực và có lộ trình chuyển các Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL vào năm 2025. Đối với Trung tâm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện xã hội hóa thực hiện việc chuyển thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

- Ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động TGPL được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Từ sau năm 2025, thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), xã hội hóa hoàn toàn công tác TGPL của Nhà nước, Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý, điều phối nguồn lực bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được hưởng dịch vụ TGPL kịp thời, có chất lượng tương đương với dịch vụ của luật sư cung cấp trên thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu TGPL của người được TGPL trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính; việc chi tiêu ngân sách nhà nước đạt hiệu quả cao.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

a) Nhiệm vụ giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực

- Về hoạt động TGPL:

Nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng. Chỉ thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động TGPL.

- Về tổ chức TGPL nhà nước: Duy trì tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước trên cơ sở sắp xếp tổ chức các Trung tâm theo hướng tinh gọn, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, giảm bớt chi phí bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng TGPL, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu TGPL, nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ TGPL của từng địa phương và huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL.

+ Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn bảo đảm Trung tâm có 02 bộ phận gồm: (1) Bộ phận trực tiếp thực hiện TGPL là các Trợ giúp viên pháp lý; (2) Bộ phận quản lý nghiệp vụ tạo tiền đề để chuyển các Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL và dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện TGPL ở giai đoạn sau.

Việc sắp xếp lại tổ chức các Trung tâm theo nguyên tắc:

[...]