Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính do tỉnh Cà Mau ban hành

Số hiệu 136/KH-UBND
Ngày ban hành 21/09/2021
Ngày có hiệu lực 21/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Cà Mau, ngày 21 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO HƯỚNG KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SƠ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết

Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 05/6/2020, Quyết định số 1068/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 và Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 về triển khai thực hiện thí điểm việc giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Cái Nước, Thới Bình và thành phố Cà Mau (gọi tắt là thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới), với tổng số 52 thủ tục, bao gồm: Lĩnh vực đất đai, tài nguyên và giao dịch bảo đảm với 37 thủ tục; Lĩnh vực đăng ký kinh doanh với 05 thủ tục; Lĩnh vực xây dựng với 10 thủ tục. Theo đó, người dân được lựa chọn một số nơi thuận tiện để nộp hồ sơ thủ tục hành chính, qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại của người dân. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp khuyến khích Bộ phận Một cửa của các đơn vị tự đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân.

Qua một năm triển khai thực hiện mô hình thí điểm giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng số hồgiải quyết theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính được tiếp nhận tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh là 4.309 hồ sơ (Lĩnh vực đất đai 4.134 hồ sơ; Lĩnh vực đăng ký đất đai 165 hồ sơ; Lĩnh vực xây dựng 10 hồ sơ). Thực tế cho thấy, người dân có xu hướng chọn Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh là nơi nộp hồ sơ ngày càng nhiều, vì sự thuận tiện và chất lượng phục vụ. Kết quả này đã chứng minh hiệu quả của mô hình thí điểm, được người dân đồng tình ủng hộ, cần thiết được mở rộng cả về lĩnh vực và địa bàn thực hiện.

2. Cơ sở pháp lý

- Căn cứ Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, tại điểm c, khoản 1, Điều 37 quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa của các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp và thuộc thẩm quyền của cấp này có thể giao cấp khác tiếp nhận hồ sơ”.

- Căn cứ Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, tại khoản 3, Mục III quy định: Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

- Căn cứ Quyết định số 829/QĐ-UBND ngày 27/4/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg. Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh được giao chủ trì: “Đánh giá để đề xuất đưa vào triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính”.

Từ những cơ sở nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, cụ thể như sau:

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn; giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

- Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định cụ thể từng công việc gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò chủ động, tích cực và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đảm bảo việc triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, chất lượng, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

- Việc thực hiện Kế hoạch phải bảo đảm yêu cầu lấy mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Tiếp nhận phi địa giới đối với các thủ tục hành chính mà thông tin, dữ liệu phục vụ xem xét, thẩm định hồ sơ đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc trên cơ sở có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Nội dung

1.1. Rà soát, mở rộng lĩnh vực, địa bàn giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, cụ thể:

- Triển khai thực hiện chính thức việc giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả 52 thủ tục hành chính được nêu tại Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 05/6/2020, Quyết định số 1068/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 và Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 10/7/2020. Đồng thời, mở rộng địa bàn triển khai thực hiện ra tất cả các huyện, thành phố đối với 52 thủ tục hành chính đã thực hiện thí điểm.

- Giao Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện (con người, trang thiết bị, mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị...).

- Giao các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục rà soát, lựa chọn thủ tục hành chính (ngoài 52 thủ tục hành chính đã thực hiện thí điểm) để mở rộng việc triển khai thực hiện.

1.2. Triển khai tiếp nhận phi địa giới đối với tất cả thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, cụ thể:

- Trường hợp người dân, doanh nghiệp không chọn hình thức nộp hồ sơ trực tuyến (đối với các thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện) thì có thể chọn nộp hồ sơ trực tiếp ở bất kỳ Bộ phận Một cửa của huyện, thành phố nào thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

- Bộ phận Một cửa của huyện, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định trực tiếp hoặc phối hợp với đơn vị phê duyệt hồ sơ thẩm định về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, cập nhật dữ liệu hồ sơ vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy đnh. Đồng thời, tiếp nhận kết quả từ Bộ phận Một cửa của đơn vị trực tiếp giải quyết chuyển trả cho người dân, doanh nghiệp khi có yêu cầu.

[...]