Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai Quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 134/KH-UBND
Ngày ban hành 19/05/2023
Ngày có hiệu lực 19/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Văn Diện
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 19 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1748/TTr-SNNPTNT-TL ngày 28/4/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:

I. YÊU CẦU

- Quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai;

- Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh. Phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phù hợp với cấp độ rủi ro thiên tai, chủ động phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước trên địa bàn;

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia theo Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả;

- Xác định và phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự tham gia toàn xã hội trong việc triển khai, thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU VÀ THỜI GIAN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng;

- Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ những thành quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, hướng đến phát triển bền vững, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai sau năm 2030 và chủ động phòng ngừa sau năm 2045;

- Lồng ghép các Chiến lược, Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Trung ương và của Tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tối thiểu 10% thiệt hại về người so với giai đoạn 2010-2020, trong đó tập trung giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế thấp hơn giai đoạn 2010-2020 và không vượt quá 1,2% GDP bình quân hàng năm;

- Dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, bảo đảm độ tin cậy 100% cơ quan, tổ chức và hộ gia đình vùng bị ảnh hưởng của thiên tai được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai; 100% cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai các cấp đáp ứng được yêu cầu tham mưu, hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo phòng, chống thiên tai theo thời gian thực;

- 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết, kỹ năng về phòng tránh thiên tai, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai được nâng cao; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “bốn tại chỗ”;

- Tập trung khắc phục, xử lý 100% vị trí trọng điểm đê điều đặc biệt xung yếu; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; 100% khu vực trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai được theo dõi, giám sát chủ động;

- Công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân đủ khả năng chống chịu trước thiên tai theo mức thiết kế, từng bước nâng cấp đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Người dân sống ở khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất được đảm bảo an toàn, hạn chế bị rủi ro khi xảy ra thiên tai.

2. Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2045.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và năng lực quản lý điều hành trong phòng, chống thiên tai

- Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và các pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai phù hợp với thực tiễn;

- Rà soát, cập nhật ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống thiên tai, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, quan trắc, giám sát, cảnh báo, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai, tín dụng cho phòng, chống, khắc phục thiên tai;

- Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện, bổ sung hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai;

- Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp; nâng hiệu quả hoạt động của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, tăng cường trách nhiệm cá nhân các thành viên Ban chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ được phân công;

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng. Kiểm soát việc xây dựng nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển, năm trong vùng ngập lụt, nhất là công trình giao thông, khu dân cư, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng để hạn chế gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến thoát lũ. Quản lý chặt chẽ khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng bãi sông;

[...]