UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1312/KH-UBND
|
Bến Tre, ngày
28 tháng 3 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG; NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP”
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2013-2016
Căn cứ Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng
02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp
luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp
từ năm 2009 đến năm 2012”;
Thực hiện Công văn số 2717/LĐTBXH-PC ngày 08
tháng 8 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tiếp tục thực
hiện Đề án 31 đến năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai
thực hiện Đề án 31 giai đoạn II từ năm 2013 đến 2016 trên địa bàn tỉnh như sau:
Phần I
TÌNH HÌNH CHUNG VÀ KẾT
QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 31 GIAI ĐOẠN I (2009-2012)
I. TÌNH HÌNH CHUNG
Giai đoạn 2009-2012, tỉnh Bến Tre hiện có 1.835
doanh nghiệp sử dụng 56.554 lao động. Trên toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp đã đi
vào hoạt động thu hút 18 doanh nghiệp đầu tư, sử dụng 18.787 lao động, trong đó
có 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh còn có 68.115 hộ sản
xuất kinh doanh cá thể sử dụng 120.289 lao động.
Đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh
nghiệp nhỏ, nằm rãi rác, không tập trung, sử dụng ít lao động, lực lượng lao động
thiếu ổn định, điều đó đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các lớp tuyên truyền pháp
luật đến với người lao động tại các doanh nghiệp thuộc loại hình này.
II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN 31 GIAI ĐOẠN I
1. Kết quả thực hiện:
Từ năm 2009 đến 2012, được sự quan tâm chỉ đạo
sâu sát của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các
ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh nên Đề án đã đạt được một số kết quả
nhất định, cụ thể như sau:
1.1. Tập huấn đào tạo:
Tỉnh đã tổ chức một lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng
cao kỹ năng tuyên truyền pháp luật lao động cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp
luật cấp huyện. Các huyện và thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho
các tuyên truyền viên tại các xã, phường, thị trấn, từ đó tạo điều kiện cho
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động được diễn ra đồng bộ, rộng
khắp.
1.2. Công tác tuyên truyền:
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động
đã được tổ chức thực hiện với nhiều hình thức khác nhau được diễn ra từ cấp tỉnh,
cấp huyện đến cấp xã, phường, thị trấn.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với các
ngành, các cấp tổ chức 69 lớp tuyên truyền với 7.069 cán bộ, công đoàn viên
công đoàn cơ sở và công nhân lao động tham dự. Nội dung tập trung vào các quy định
về hợp đồng lao động; các chính sách, chế độ của người lao động, đặc biệt là
lao động nữ; về thoả ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Liên minh
Hợp tác xã tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp theo
chuyên đề như: Hợp đồng lao động, tiền lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động… cho người sử dụng lao động và người lao
động trên địa bàn quản lý. Trong 4 năm thực hiện Đề án, tổng số lượt doanh nghiệp
được tuyên truyền theo chuyên đề là 4.177 lượt doanh nghiệp, tổng số lượt người
lao động trong doanh nghiệp được tuyên truyền là 74.225 lượt người.
Trong kỳ đã phát hành 20.000 tờ rơi tuyên truyền
các quy định của pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng lao động, tiền
lương, bảo hiểm xã hội; 25.000 Bản tin Tư pháp/tháng, trong đó có nội dung
chuyên trang về pháp luật lao động phát tuyên truyền cho người lao động và người
sử dụng lao động tại các doanh nghiệp. Hàng chục ngàn sách, ấn phẩm, tài liệu
tuyên truyền chứa đựng các nội dung về an toàn lao động, tiền lương, bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã được phát hành đến với người sử dụng lao động
và người lao động.
Các sở, ngành tỉnh đã phối hợp tổ chức thực hiện
tuyên truyền 8 kỳ pháp luật lao động trong chuyên mục “Pháp luật và Đời sống”
phát trên sóng truyền hình tỉnh; thực hiện 01 Chương trình trả lời trực tiếp bạn
nghe đài hỏi về pháp luật lao động trên sóng phát thanh tỉnh.
Các huyện, thành phố đều có xây dựng các nội
dung về pháp luật lao động để thường xuyên tuyên truyền trên Đài truyền thanh
huyện, thành phố và hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Nội
dung tập trung vào các quy định về an toàn vệ sinh lao động tuyên truyền nhân
Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động hàng năm và các quy định mới của
pháp luật lao động.
1.3. Tổ chức hội thi:
Từ năm 2009 đến nay các ngành tỉnh đã phối hợp tổ
chức 02 lần hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” đã thu hút 46 đội với 184 thí
sinh tham dự. Qua đó giúp cho các thí sinh ôn lại kiến thức, đồng thời tuyên
truyền cho hàng trăm cổ động viên hiểu biết thêm pháp luật về an toàn lao động
nói riêng và pháp luật lao động nói chung.
1.4. Tư vấn pháp luật; hoà giải, giải quyết
tranh chấp; thanh tra, kiểm tra:
Thông qua hoạt động, tư vấn pháp luật, hoà giải,
giải quyết tranh chấp lao động và công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp,
công tác khảo sát tại các hợp tác xã… giúp cho người sử dụng lao động và người
lao động hiểu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Từ năm 2009 đến
nay các ngành, các cấp đã phối hợp tư vấn cho các bên tranh chấp, hoà giải
thành 08 cuộc đình công và 03 cuộc lãng công trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm có hàng
trăm cuộc tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại giải đáp thắc mắc cho người lao
động về các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật lao động. Bình quân mỗi
năm có 100 doanh nghiệp được cấp tỉnh và cấp huyện thanh tra, kiểm tra, sau
thanh tra có nhiều kiến nghị để cho các doanh nghiệp thực hiện.
Những hoạt động nói trên đã góp phần đa dạng
hoá, nâng cao số lượng và chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật
lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá chung, kết quả thực hiện Đề án cơ bản
đạt mục tiêu đề ra là 95% người sử dụng lao động và 70% người lao động tại các
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền về pháp luật lao động.
2. Những hạn chế:
- Hình thức và nội dung tuyên truyền pháp luật
lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa phong phú, tần suất chưa
nhiều.
- Việc tổ chức các lớp tuyên truyền trực tiếp về
pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động ở một vài địa
phương còn ít, chỉ thực hiện một số nội dung mang tính chuyên đề, vì vậy chưa
tuyên truyền đầy đủ các nội dung cốt lõi của pháp luật lao động.
- Vấn đề tuyên truyền pháp luật lao động cho người
lao động trong doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào ý chí của người sử dụng lao động,
họ quan tâm đến sản xuất kinh doanh hơn là tuyên truyền pháp luật lao động.
3. Nguyên nhân của những hạn chế:
- Một số địa phương trong tỉnh còn thiếu chủ động
trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền pháp luật lao động
đến với đối tượng trên địa bàn quản lý; kinh phí bố trí để thực hiện kế hoạch ở
địa phương còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, chậm
báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ.
- Pháp luật lao động chưa quy định trách nhiệm
phổ biến, giáo dục pháp luật của chủ sử dụng lao động đối với người lao động
nên các chủ doanh nghiệp chưa có sự chủ động phối hợp với tổ chức công đoàn
doanh nghiệp để tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động.
- Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật lao động của các cấp đối với doanh nghiệp còn ít, đặc biệt là xử lý
vi phạm trong lĩnh vực này rất hạn chế, vì vậy chưa có tác dụng thúc đẩy các chủ
doanh nghiệp tự giác chấp hành.
Phần II
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
31 GIAI ĐOẠN II (2013-2016)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu chung:
Tiếp tục thực hiện mục tiêu Đề án 31 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm
2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng,
nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên
truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động
trong các loại hình doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp dân doanh; hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp.
Triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ các hình
thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, chọn lọc, phát triển các mô hình,
biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn
và nhu cầu hiểu biết pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.
2. Mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu đến hết năm 2016, đạt được các mục tiêu
cụ thể sau đây:
- Có ít nhất 95% người sử dụng lao động thuộc
các doanh nghiệp trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đã sửa
đổi, bổ sung và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
- Trên 70% người lao động trong các doanh nghiệp
của tỉnh được tuyên truyền, phổ biến Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung và
các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và người
lao động.
3. Yêu cầu:
Kế thừa kết quả và kinh nghiệm công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật trong thời gian vừa qua, bảo đảm sự liên tục và tính hệ thống
của công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến
phù hợp với khả năng trình độ của người lao động và người sử dụng lao động
trong các loại hình doanh nghiệp trong tỉnh, nhằm làm cho người lao động và người
sử dụng lao động hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật lao động.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tổ chức các lớp tuyên truyền trực tiếp pháp
luật lao động và pháp luật có liên quan cho người sử dụng lao động, cán bộ công
đoàn doanh nghiệp, xã viên hợp tác xã và người lao động trong các loại hình
doanh nghiệp trên địa bàn.
2. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, tư vấn pháp
luật lao động cho cấp huyện, thành phố, các khu công nghiệp tỉnh.
3. Biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật
lao động đã được sửa đổi, bổ sung và các pháp luật có liên quan cho các doanh
nghiệp và người lao động trong tỉnh. Từng lúc cập nhật, bổ sung các nguồn tài
liệu mới.
4. Định kỳ đưa các nội dung phổ biến giáo dục
pháp luật lao động và pháp luật có liên quan đến người lao động và hoạt động của
doanh nghiệp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh.
5. Phát hành tờ rơi nội dung tuyên truyền pháp
luật lao động, phát động cho người sử dụng lao động phối hợp với công đoàn
doanh nghiệp phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động.
6. Phát động các hình thức thi tìm hiểu pháp luật
lao động cho người lao động.
7. Củng cố lực lượng hoà giải viên lao động cấp
huyện, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động
hoà giải cơ sở.
8. Tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện
pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Củng cố đội kiểm tra liên ngành cấp
huyện, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động đối với các doanh
nghiệp trên địa bàn quản lý. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, thực hiện
công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Cấp tỉnh:
- Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện Đề án
và khả năng ngân sách, các đơn vị được phân công thực hiện Đề án lập dự toán kinh
phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng
5 năm 2010 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp và Nghị quyết số 07/2011/NQ-HĐND ngày
15 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi đảm bảo
cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật áp dụng trên địa bàn tỉnh gửi Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Nguồn kinh phí: Thực hiện theo phân cấp ngân
sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
2. Cấp huyện:
Kinh phí để thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ
biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình
doanh nghiệp giai đoạn II (2013-2016) trên địa bàn tỉnh” thực hiện theo quy định
hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phạm vi thời gian và đối
tượng thực hiện:
- Thời gian thực hiện: Kế hoạch được triển khai
thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2016.
- Đối tượng thực hiện:
+ Các sở, ban ngành tham gia tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật.
+ Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.
+ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ làm công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
+ Người sử dụng lao động và người lao động trong
các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã.
+ Người lao động đang có nhu cầu đi làm việc có
thời hạn ở nước ngoài.
2. Phân công nhiệm vụ:
2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm nhằm
cụ thể hoá kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Đề án
“Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động
trong các doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2016.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Liên đoàn
Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức các
lớp bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật lao động cấp huyện; tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt
động của kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao
động; người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp giai đoạn II.
- Hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
huyện, thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Uỷ ban nhân
dân huyện tổ chức thực hiện các hình thức tuyên truyền pháp luật lao động cho
người sử dụng lao động trên địa bàn quản lý.
- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
2.2. Sở Tư pháp:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Liên đoàn Lao động tỉnh và các sở, ngành có liên quan biên soạn tài liệu và bố
trí báo cáo viên có khả năng tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật cho
người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp.
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố phối
hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng, ban có liên quan
giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
2.3. Sở Tài chính:
- Bố trí ngân sách hàng năm cho các sở, ngành, địa
phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả kế
hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
2.4. Liên đoàn Lao động tỉnh:
- Tổ chức các lớp tuyên truyền trực tiếp cho cán
bộ công đoàn doanh nghiệp và chỉ đạo, hướng dẫn Liên đoàn Lao động cấp huyện,
Công đoàn các khu công nghiệp chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức
nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ công đoàn doanh
nghiệp và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội và các sở, ngành có liên quan phát động các hình thức thi
tìm hiểu pháp luật lao động cho người lao động ở các doanh nghiệp.
- Theo dõi, đánh giá công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.5. Liên minh Hợp tác xã tỉnh:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên
quan tổ chức các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động và pháp luật
có liên quan cho người sử dụng lao động, người lao động và xã viên trong các hợp
tác xã thuộc phạm vi quản lý.
- Theo dõi, đánh giá công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trong các hợp
tác xã theo loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.6. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
- Chủ trì phối hợp Công đoàn các khu công nghiệp
và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các hình thức
tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động
trong các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
- Theo dõi, đánh giá công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp
thuộc phạm vi quản lý.
2.7. UBND huyện, thành phố trực thuộc tỉnh:
- Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh và tình hình thực
tế của địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện kế hoạch
tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người
lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, gắn với kế hoạch thực hiện chương
trình phổ biến, giáo dục pháp luật chung của địa phương.
- Chỉ đạo các ban ngành, tổ chức ở địa phương phối
hợp thực hiện các hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Chú trọng các hình
thức tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của huyện,
thành phố và các xã, phường, thị trấn…
- Bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch
theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và hướng dẫn của Sở Tài chính.
- Củng cố, tăng cường lực lượng hoà giải viên
lao động cấp huyện, thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông
qua hoạt động hoà giải cơ sở.
- Củng cố đội kiểm tra liên ngành cấp huyện,
tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp
trên địa bàn quản lý. Thông qua hoạt động kiểm tra, thực hiện công tác tuyên
truyền giáo dục pháp luật cho người sử dụng lao động.
- Theo dõi, đánh giá việc thực hiện các hoạt động
của kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động; người sử dụng
lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
3. Chế độ thông tin, báo cáo:
Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp
tác xã tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố theo định kỳ 6 tháng và cả năm thực hiện sơ, tổng kết các hoạt động
theo nhiệm vụ được phân công và báo cáo kết quả về Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án
“Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động; người sử dụng lao động
trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn II từ 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Bến
Tre, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo về
Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Cao Văn Trọng
|