Kế hoạch 1275/KH-BHXH rà soát quy định, thủ tục hành chính năm 2013 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 1275/KH-BHXH
Ngày ban hành 04/04/2013
Ngày có hiệu lực 04/04/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đỗ Văn Sinh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Bộ máy hành chính

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1275/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2013

Thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Công văn số 348/VPCP-KSTT ngày 28 tháng 11 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Kế hoạch rà soát quy định hành chính, thủ tục hành chính năm 2013 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI RÀ SOÁT

1. Mục đích

a) Rà soát các quy định, thủ tục hành chính nhằm phát hiện những quy định, thủ tục hành chính (TTHC) không đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, phù hợp, tính hợp hiến, hợp pháp; phát hiện kịp thời những TTHC còn rườm rà, phức tạp, những TTHC còn mâu thuẫn, chồng chéo, không phân định rõ cơ quan, đơn vị thực hiện, gây khó khăn, cản trở cho quá trình giải quyết công việc đối với các cá nhân, tổ chức.

b) Cắt giảm chi phí về thời gian và tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong việc tuân thủ TTHC.

c) Lập danh sách những quy định, TTHC cần được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ; xây dựng phương án đơn giản hóa các TTHC được rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định, TTHC.

2. Yêu cầu

a) Sản phẩm rà soát các quy định, TTHC phải cụ thể, thiết thực, thực hiện được các mục tiêu đề ra.

b) Khi tiến hành rà soát phải đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót quy định hành chính, TTHC.

c) Căn cứ pháp lý để rà soát là các văn bản quy phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đang có hiệu lực thi hành; Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 09/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

d) Áp dụng nguyên tắc công khai, minh bạch, tham vấn các tổ chức, cá nhân chịu tác động của quy định, TTHC trong việc rà soát.

đ) Việc rà soát quy định, TTHC phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện TTHC, coi rà soát quy định, TTHC là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị và mỗi cán bộ công chức, viên chức.

e) Đảm bảo phát huy vai trò chủ động của các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có chức năng tham mưu xây dựng văn bản; phát huy tính tích cực của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trong việc đánh giá sự phù hợp của quy định hành chính, TTHC với hoạt động thực tiễn, tính khả thi, thống nhất, đồng bộ...

3. Phạm vi

a) Rà soát các văn bản có quy định TTHC do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành thuộc các lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH (Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010), chính sách BHYT (Quyết định số 82/QĐ-BHXH ngày 20/1/2010), thu BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011) và chi trả các chế độ BHXH, BHYT (Quyết định số 488/QĐ-BHXH ngày 23/5/2012 và Quyết định số 1764/QĐ-BHXH ngày 24/12/2012).

b) Rà soát 115 TTHC ban hành kèm theo Quyết định số 1369/QĐ-BHXH ngày 12/10/2012.

II. NỘI DUNG RÀ SOÁT

1. Rà soát các TTHC theo các tiêu chí sau:

a) Đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện;

b) Phù hợp với mục tiêu quản lý;

c) Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện TTHC;

d) Tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và BHXH Việt Nam;

đ) Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về TTHC;

e) Bảo đảm tính liên thông giữa các TTHC liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý.

2. Rà soát các văn bản có quy định TTHC do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành để đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi, tính hợp pháp và sự phù hợp của văn bản với thực tiễn.

3. Xây dựng phương án đơn giản hóa, đề xuất, kiến nghị.

[...]