Kế hoạch 127/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 127/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2024
Ngày có hiệu lực 04/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Ngọc Châu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 04 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hệ thống y tế của tỉnh phát triển bền vững, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; bảo đảm công bằng, hiệu quả, chất lượng, có khả năng đáp ứng với các tác động bất lợi. Mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, dược phẩm và thiết bị y tế có chất lượng với chi phí hợp lý, được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở”, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện. Bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng và đại dịch. Từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nâng cao năng lực quản lý môi trường y tế, các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe người dân.

b) Bảo đảm chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật; xây dựng, củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế.

c) Nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với già hóa dân số. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng ưu tiên.

d) Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đặc biệt là nhân lực y tế cơ sở; tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sĩ và điều dưỡng.

đ) Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật, phát triển dược và thiết bị y tế; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.

e) Bảo đảm việc tiếp cận và tính sẵn có của thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; ưu tiên phát triển công nghiệp dược, dược liệu. Thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

g) Tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ, sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, các khu vực khó khăn.

h) Nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, hiện đại, hội nhập.

3. Định hướng đến năm 2045

Hệ thống y tế của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm với các địa phương phát triển ở trong nước, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao sức khỏe nhân dân

a) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam; Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia…

b) Thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương.

c) Tập trung cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giảm tỷ lệ trẻ em khuyết tật, ưu tiên các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, khu vực khó khăn nhằm đạt các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng. Hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030.

d) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thực hiện thống nhất đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo quy định. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành. Thực hiện tốt việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Nâng cao năng lực phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

đ) Thực hiện chăm sóc dài hạn, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người lao động, người cao tuổi, người khuyết tật, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích tại cộng đồng; tăng cường hiệu quả công tác y tế học đường, huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chương trình sữa học đường nhằm góp phần tăng tầm vóc, thể lực trẻ em, học sinh. Thực hiện hiệu quả Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030, Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021- 2025, Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

e) Phòng chống tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hóa chất và chất thải độc hại đến sức khỏe con người. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nhằm tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia và nhà tiêu hợp vệ sinh. Đảm bảo chất thải y tế phát sinh trên địa bàn được xử lý đạt quy chuẩn.

2. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở

a) Tăng cường đầu tư mạng lưới y tế dự phòng, năng lực xét nghiệm, bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng. Triển khai kịp thời, đạt chỉ tiêu các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo quy định và cung ứng của Bộ Y tế.

b) Đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét để thực hiện mục tiêu cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét vào năm 2030.

[...]