Kế hoạch 1693/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 1693/KH-UBND
Ngày ban hành 17/05/2024
Ngày có hiệu lực 17/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1693/KH-UBND

Kon Tum, ngày 17 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Quán triệt, triển khai cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân tỉnh Kon Tum trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu thực tế đặt ra trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.

- Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng. Từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nâng cao năng lực quản lý môi trường y tế, các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe người dân.

b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh; thu hẹp khoảng cách về bệnh tật, tử vong giữa các vùng, miền, các nhóm dân tộc. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế.

c) Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng ưu tiên.

d) Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đặc biệt nhân lực cho y tế cơ sở, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới; tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sĩ và điều dưỡng; bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.

đ) Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.

e) Bảo đảm việc tiếp cận và tính sẵn có của thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của Nhân dân; ưu tiên phát triển công nghiệp dược, dược liệu. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

g) Nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, các khu vực khó khăn.

h) Công tác rà soát và thi hành pháp luật, chính sách y tế được thực hiện thường xuyên, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và đúng quy định; năng lực quản trị hệ thống y tế được nâng cao theo hướng hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, hiện đại, hội nhập.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao sức khỏe Nhân dân

a) Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh: Chương trình sức khỏe Việt Nam[1]; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030[2]; Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030[3]; Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân.

* Thực hiện:

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam; Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030; Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 trên địa bàn tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án vận động toàn dân luyện tập thể dục thể thao bảo vệ, nâng cao sức khỏe (thực hiện sau khi Trung ương ban hành Đề án); phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các chương trình, đề án thể dục thể thao trong trường học nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt Nam; xây dựng kế hoạch hành động, triển khai các giải pháp an toàn du lịch, phòng chống tai nạn thương tích trong phạm vi được phân công quản lý.

b) Chủ động, tích cực tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đến cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân tạo môi trường xã hội đồng thuận trong việc thực thi các quy định, chính sách y tế. Tăng cường hoạt động của mạng lưới truyền thông y tế từ tỉnh đến xã; chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin y tế giữa các cấp; nâng cao chất lượng nội dung truyền thông và đa dạng phương thức, cách thức mới, ứng dụng truyền thông số, truyền thông mới,… trong các hoạt động truyền thông.

* Thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thường xuyên.

c) Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh: Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến 2025[4]; Kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025[5]; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời để phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030[6]. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc; giám sát tình trạng suy dinh dưỡng, bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai; cung cấp thực phẩm dinh dưỡng để điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính; đảm bảo dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện làm việc cho người lao động.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ