Kế hoạch 1266/KH-UBND năm 2024 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 1266/KH-UBND
Ngày ban hành 05/07/2024
Ngày có hiệu lực 05/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1266/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 05 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2025

Thực hiện Công văn số 63 0/BKHCN-KHTC ngày 01/3/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng kế hoạch khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN và ĐMST) và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2025. Trên cơ sở tình hình thực hiện năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch KH,CN và ĐMST và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ năm 2025 như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2023 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

I. Kết quả và tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Về việc ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN và ĐMST) của tỉnh: Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN), trong thời gian qua việc ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển KH,CN và ĐMST của tỉnh đảm bảo tính kịp thời, tính khả thi và phù hợp với các văn bản, chính sách hiện hành của Nhà nước, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Trong đó một số văn bản quan trọng có tác động lớn đến hoạt động KH&CN của địa phương, như: Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 24/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết số 55/2023/NQ-HĐND ngày 02/10/2023 của HĐND tỉnh quy định định mức lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục và tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình thực hiện năm 2023; Kế hoạch số 509/KH-UBND ngày 24/3/2023 của UBND tỉnh về tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2023; Quyết định số 712/QĐ-UBND ngày 04/4/2023 của UBND tỉnh về việc thành lập ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1762/QĐ-UBND ngày 05/07/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kịch bản diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2023; Kế hoạch số 1404/KH-UBND ngày 13/07/2023 vệ việc thực hiện Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 24/5/2023 và Kế hoạch số 107/KH-TU ngày 09/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện và nghiên cứu học tập Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 28/03/2024 về việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các tổ chức hành chính thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình...

- Về thực hiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập: Thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/06/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông tư số 01/2017/TT-BKHCN ngày 12/01/2017 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông tư số 90/2017/TT-BTC ngày 30/8/2017 của Bộ Tài chính quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đang tập trung đầu tư nâng cao năng lực để đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình tự chủ về tài chính và sáp nhập đã được phê duyệt. Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ có 01 tổ chức đã tự chủ về tài chính cho hoạt động chi thường xuyên và 01 tổ chức tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên[1].

- Về thực hiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước: Việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước được triển khai, thực hiện đúng theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.

- Về cơ chế, chính sách và quy định quản lý tài chính liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN:

Về nội dung, định mức chi đối với nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh: Trên cơ sở Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và Thông tư số 02/2023/TT-BKCN ngày 08/5/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 55/2023/NQ-HĐND ngày 02/10/2023 của quy định định mức lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nội dung, định mức chi đối với nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời công tác quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cũng được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKH&CN-BTC ngày 30/12/2015 về cơ chế khoán chi đối với thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN. Qua đó đã góp phần nâng cao quyền tự chủ cũng như trách nhiệm của hội đồng khoa học, tạo tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiệm vụ KH&CN.

- Về thực hiện cơ chế, chính sách về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN: Công tác thu hút, tuyển dụng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành, các chuyên gia giỏi luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch số 463/KH-UBND ngày 30/3/2021 thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ giai đoạn 2021 - 2025 nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo đội ngũ nhân lực có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, năng động, sáng tạo, có kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhìn chung việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ cơ bản đã đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những lợi thế đạt được thì cơ chế quản lý KH, CN và ĐMST còn một số bất cập, thiếu cơ chế, chính sách hữu hiệu để gắn kết giữa KH&CN với sản xuất - kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn sản xuất. Việc áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng còn khá khó khăn do tên sản phẩm; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng chưa được xác định rõ trong thuyết minh, nên các nhiệm vụ thông thường áp dụng phương thức khoán chi từng phần. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về việc xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn nhiều khó khăn bất cập. Cụ thể: Đối với tài sản được trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thường là những tài sản mang tính chuyên môn đặc thù, ít phổ biến nên thường mua sắm mới, ít có tài sản phù hợp để thực hiện hình thức thuê hay điều chuyển; Việc mua sắm tài sản để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thường gặp nhiều khó khăn, do tài sản mang tính đặc thù, đặc biệt là những tài sản liên quan đến công nghệ mới thường là độc quyền, ít nhà cung cấp do vậy việc thực hiện đúng quy trình mua sắm tài sản theo hình thức chào hàng cạnh tranh hoặc đấu giá gặp nhiều khó khăn. Đối với tài sản là kết quả của quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là những tài sản vô hình thường mang tính mới và đặc thù, do vậy, các cơ quan tài chính và cơ quan chuyên môn thường gặp khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản.

II. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH,CN & ĐMST năm 2023, 06 tháng đầu năm 2024 và ước thực hiện 06 tháng cuối năm 2024

1. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

a. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp bộ

Trong năm 2023-2024, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện 02 đề tài cấp Nhà nước; 05 dự án thuộc chương trình nông thôn và miền núi do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý (có Biểu TK1-3, Phụ lục 1 kèm theo). Các đề tài/dự án đã chú trọng đến các nội dung nghiên cứu về tiềm năng và lợi thế của tỉnh, chuyển giao làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người; đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là đội ngũ khuyến nông viên cơ sở là người địa phương, người dân tộc và người dân góp phần tạo sinh kế cho hàng trăm lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân... Qua thực hiện các đề tài/ dự án, khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KH&CN của người dân ở vùng nông thôn, miền núi và hiệu quả sản xuất được tăng lên rõ rệt.

Nhìn chung việc triển khai thực hiện các đề tài/dự án đã góp phần khai thác các tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của nhân dân Vùng nông thôn, miền núi.

b. Kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh

Hoạt động quản lý Nhà nước về nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, chặt chẽ và có nhiều đổi mới. Từ năm 2023 đến nay, đã triển khai thực hiện và quản lý 81 đề tài, dự án cấp tỉnh (trong đó có 32 đề tài, dự án được chuyển tiếp từ các năm trước, thực hiện mới 49 đề tài, dự án). Đã tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học 28 đề tài, dự án KH&CN cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Một số đề tài, dự án nghiệm thu đạt kết quả tốt và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn (có Biểu TK1-2, Phụ lục 1 kèm theo).

Nhìn chung, công tác quản lý thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đề tài, dự án triển khai nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả các nhiệm vụ KH&CN đều được ứng dụng vào sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch và dịch vụ..., đặc biệt là nâng cao thu nhập cải thiện mức sống cho người lao động.

c. Công tác ứng dụng tiến bộ KH&CN

Công tác ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn đã được quan tâm đầu tư đúng mức, cụ thể: Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, vi sinh và giống cây trồng, vật nuôi phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu ngành kinh tế. Xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển phục vụ xoá đói giảm nghèo. Công tác tư vấn và chuyển giao công nghệ không ngừng được quan tâm, đặc biệt là việc chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng các giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả cho vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tạo thêm ngành nghề mới, lăng thu nhập cho bà con nông dân.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 46 nhiệm vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ, mô hình liên kết ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (có 17 nhiệm vụ được chuyển từ các năm trước sang; năm 2023 phê duyệt thực hiện mới 17 nhiệm vụ; năm 2024 phê duyệt thực hiện mới 12 nhiệm vụ). Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã tổ chức chuyển giao kết quả thực hiện của 29 mô hình, nhiệm vụ để ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội. Nhìn chung các kết quả thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao có khả năng phát triển và nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: Mô hình trồng và tạo nguồn giống khoai lang Bảo Ninh phù hợp với vùng đất cát nội đồng tỉnh Quảng Bình; mô hình nuôi thử nghiệm gà nhiều cựa Phú Thọ thương phẩm trên địa bàn thành phố Đồng Hới; Nuôi thử nghiệm thương phẩm ốc bươu đen tại Vùng Nam, thị xã Ba Đồn; Nuôi thử nghiệm ngỗng Sư Tử thương phẩm theo phương thức bán thâm canh trên địa bàn xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch; Xây dựng vườn ươm giống cây keo lai BV16 bằng phương pháp giâm hom, phục vụ công tác đào tạo nghề cho bà con dân tộc thiểu số tại huyện Minh Hóa...

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao và 28 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 4 sao.

2. Kết quả công tác quản lý nhà nước về công nghệ và thị trường công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

a. Công tác đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ

Công tác quản lý các hoạt động chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ được thực hiện thường xuyên. Việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư được thực hiện theo Thông tư 03/2016/TT-BKHCN của Bộ KH&CN và Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017. Trong thời gian từ tháng 01/2023 đến hết tháng 6/2024, đã tổ chức thẩm định/có ý kiến về công nghệ 20 dự án đầu tư[2]. Qua đó đã góp phần định hướng lựa chọn và hoàn thiện công nghệ của dự án đầu tư.

[...]