Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2024 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 10/06/2024
Ngày có hiệu lực 10/06/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Thắng
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 10 tháng 6 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030. Để kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển KT-XH trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là các sở, ngành và địa phương) tập trung triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2025 như sau:

A. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025

I. YÊU CẦU

1. Đối với đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân các cấp về phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và năm 2024, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Quyết định, chỉ đạo của UBND tỉnh; Kế hoạch hành động số 44/KH-UBND ngày 10/01/2024 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2024.

b) Đánh giá đúng thực chất, bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, có so sánh với năm 2023 và các năm 2021-2023, bao gồm: các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KT-XH 06 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2024; phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, thể chế, kết cấu hạ tầng, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh...; các tồn tại, hạn chế, trong đó phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để kịp thời khắc phục, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống Nhân dân trong những tháng cuối năm.

2. Đối với xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

a) Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả đã đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH các năm 2021-2023, ước thực hiện kết quả năm 2024 và dự báo tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; đánh giá, phân tích, dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch 5 năm 2021-2025; tập trung theo dõi, dự báo nhũng diễn biến của tình hình thế giới và trong nước để chuẩn bị, sẵn sàng các kịch bản, giải pháp, đối sách phù hợp, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đến mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, hướng tới thực hiện cao nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.

b) Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, 4 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết, văn bản điều hành của HĐND, UBND tỉnh[1], mang tính đột phá, đổi mới, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; trong đó, tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tập trung đẩy mạnh hơn nữa và bố trí nguồn lực thực hiện 4 khâu đột phá, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế; triệt để phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, phát huy tính tự lực, tự cường của các cơ quan, đơn vị, gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đồng thời phải được lượng hóa rõ ràng[2].

c) Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và phù hợp với định hướng tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kế hoạch 5 năm về phát triển KT-XH của tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua, kế hoạch 5 năm về phát triển KT-XH cấp huyện đã được HĐND cấp huyện thông qua (đối với các địa phương), phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; đảm bảo tính kết nối với các ngành, địa phương trong tỉnh; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong tỉnh và cả nước trong giai đoạn tới; đảm bảo kế thừa những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của cả nước và khu vực cũng như khắc phục nhũng tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

d) Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách phải: (i) Thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, của tỉnh; (ii) Bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; (iii) Bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (iv) Bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; (v) Phù hợp với thông lệ, thực hiện phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê trong xây dựng số liệu.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

Các sở, ngành, địa phương căn cứ yêu cầu tại mục I phần A, xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với các nội dung chủ yếu, gồm:

1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các sở, ngành và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt cần nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2024, so sánh với kết quả thực hiện năm 2023 và thời điểm trước dịch Covid-19); những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân cụ thể để có biện pháp khắc phục, trong đó tập trung đánh giá tác động của xung đột quân sự trên thế giới, tình hình lạm phát, tỷ giá, lãi suất, biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước (xăng dầu, vàng...), các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng...; bài học kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch năm 2024...

Các sở, ngành, địa phương đánh giá trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 10/01/2024 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán NSNN năm 2024. Trong đó, tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể sau:

- Công tác giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản; công tác điều hành tín dụng, tỷ giá, lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường vàng; làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng...

- Công tác rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

- Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số.

- Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

- Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phong trào khỏi nghiệp.

- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng hệ thống chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của Nhân dân. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế.

- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh nguồn nước.

- Thúc đẩy liên kết vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; triển khai thực hiện quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.

- Thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số; triển khai Đề án 06.

- Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

[...]