Kế hoạch 2744/KH-UBND năm 2023 hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Bình đến năm 2030

Số hiệu 2744/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2744/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 26 của Chính phủ, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định số 647 của Thủ tướng Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. MỤC ĐÍCH

- Thu hút các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu và giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 26 của Chính phủ và Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 20/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung của Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 647 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thông qua thực hiện Kế hoạch, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị đối với các đối tác trong khu vực và trên thế giới với phương châm hợp tác để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới, biển và hải đảo để xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tạo ra sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương và các thành phần kinh tế; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. YÊU CẦU

- Triển khai đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

- Hợp tác quốc tế để phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

- Gắn hợp tác quốc tế về biển với giữ gìn giá trị truyền thông lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường biển.

II. NHIỆM VỤ

1. Điều tra, nghiên cứu biển, đại dương; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ biển để tăng hiệu quả phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài về ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong điều tra, nghiên cứu, dự báo các yếu tố tự nhiên, tài nguyên, môi trường theo hướng phát triển bền vững.

- Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản; điều tra nguồn lợi thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ; nghiên cứu khoa học biển, đại dương, công nghệ, tiên tiến trong giám sát và đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu.

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ biển, đặc biệt là các công nghệ mới, đột phá hiện nay trong sử dụng, quản lý tài nguyên không gian biển; thăm dò, quan sát, giám sát đánh giá tài nguyên, môi trường biển cũng như phục vụ việc đánh giá tác động tích lũy của các hoạt động phát triển kinh tế biển tới tài nguyên, môi trường biển; hỗ trợ thiết thực quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh bền vững. Các công nghệ bao gồm vật liệu tiên tiến, tìm kiếm, thăm dò và khai thác biển sâu, phát triển năng lượng biển bền vững và công nghệ sinh học biển. Triển khai nghiên cứu công nghệ về tái chế, tái sử dụng và giảm rác thải nhựa phát sinh kết hợp với các giải pháp công nghệ ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương.

2. Bảo vệ môi trường biển, phòng chống và cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, ứng phó sự cố tràn dầu

- Tham gia thúc đẩy và thực hiện các chương trình hợp tác trong khu vực, quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại tỉnh Quảng Bình. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào Chống rác thải nhựa nhất là rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh, “mô hình thu gom rác thải trên tàu cá”.

- Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm, phân vùng xả nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Bình để có cơ sở định hướng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch và giải quyết các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên và môi trường vùng bờ của tỉnh; đồng thời, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, cảnh quan di tích ven biển, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sinh kế cộng đồng ven biển, đáp ứng phát triển bền vững vùng ven biển, đảo của tỉnh.

- Chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi trong các hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường biển. Tăng cường đầu tư cho hợp tác quốc tế về biển; bố trí kinh phí để thực hiện các sáng kiến, các sự kiện liên quan đến môi trường biển, triển khai thực hiện các dự án nạo vét các cửa sông ven biển của tỉnh, luồng hàng hải vùng cửa sông.

- Hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ cảnh báo, dự báo, đánh giá rủi ro thiên tai; hỗ trợ nguồn lực cho ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tăng cường hợp tác về đào tạo và nâng cao năng lực về quản lý - điều hành phòng chống thiên tai; năng lực cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; mở rộng, thu hút thực hiện các dự án hợp tác chung trong các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý nước và nước thải, bảo tồn đa dạng sinh học.

3. Bảo vệ đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái biển

- Hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc điều tra, nghiên cứu khoa học các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều vùng cửa sông, cửa biển, rừng phòng hộ ven biển; đánh giá hiện trạng tài nguyên đa dạng sinh học và môi trường sinh thái khu vực ven biển Bắc Quảng Bình.

- Tranh thủ nguồn lực từ hợp tác quốc tế để triển khai thành lập, quản lý hiệu quả Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La - Vũng Chùa, Khu bảo tồn biển Gò Đồi Ngâm Quảng Bình, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài khơi biển tỉnh Quảng Bình.

4. Tìm kiếm, cứu nạn trên biển

- Phối, kết hợp mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.

- Chủ động, sẵn sàng lực lượng cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực, tính chất vụ việc; đảm bảo thông tin cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn; ưu tiên tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn; báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi xét thấy tình huống vượt quá khả năng của lực lượng ứng cứu.

[...]