Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 123/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 do tỉnh Yên Bái ban hành

Số hiệu 123/KH-UBND
Ngày ban hành 03/06/2022
Ngày có hiệu lực 03/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Thế Phước
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/KH-UBND

Yên Bái, ngày 03 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 48/NQ-CP NGÀY 05/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ ATGT VÀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 48/NQ-CP). Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các lực lượng chức năng nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể góp phần thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết đã đề ra.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT. Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, hội viên, học sinh, sinh viên và người dân.

- Tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông. Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT.

2. Yêu cầu

- Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện tại cơ sở; thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn; phổ biến quán triệt các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân; gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của địa phương, đơn vị.

- Phấn đấu giảm số lượng thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5 - 10%, hướng tới đến năm 2030 giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác đảm bảo TTATGT. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT được bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và chống ùn tắc giao thông.

2. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đến, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

3. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch của tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch về giao thông vận tải. Quản lý chặt quá trình thực hiện quy hoạch, đảm bảo việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông.

4. Nâng cao năng lực, hiệu lực của các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về TTATGT; kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các ngành thành viên trong công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT dưới nhiều hình thức như: Hội thi, giao lưu, tọa đàm, triển lãm ảnh và các loại hình nghệ thuật khác nhằm xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

6. Triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi(1); nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, để người dân thấy được tiện ích của việc sử dụng phương tiện công cộng, từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như trang thiết bị hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Hàng năm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm TTATGT của năm gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên và Ban An toàn giao thông, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông theo các nhiệm vụ của kế hoạch và Nghị quyết.

- Hàng năm thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT tại các địa phương; kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ, đường thủy nội địa; kiểm tra tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh...

2. Sở Giao thông vận tải

- Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm; Tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa nền, mặt đường, công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; Tổ chức rà soát và xử lý dứt điểm các điểm đến, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống đường quốc lộ và đường tỉnh. Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông theo thẩm quyền; Quy hoạch các điểm, bãi đỗ xe ở nơi công cộng, trường học...

- Xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm đăng kiểm phương tiện xe cơ giới; cấp, đổi giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh; Triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đảm bảo công khai, minh bạch.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng kế hoạch kiểm tra tải trọng và kích thước thành thùng chở hàng của phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh; các vi phạm về hành lang an toàn giao thông.

[...]