Kế hoạch 1226/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 1226/KH-UBND
Ngày ban hành 05/04/2016
Ngày có hiệu lực 05/04/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hà Kế San
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1226/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 05 tháng 4 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Thực hiện Quyết định số 1215/2011/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 1215); Thông tư liên tịch số 115/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 18/7/2012 của liên Bộ Tài Chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020; xét đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 212/LĐTBXH-BTXH ngày 09/3/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016 - 2020, như sau:

Phần I

KẾT QUẢ CÔNG TÁC TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHCN NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ GIAI ĐOẠN 2012-2015.

I. Thực trạng tình hình người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh:

Theo kết quả khảo sát hàng năm về người khuyết tật, hiện nay toàn tỉnh có 7.197 người mắc bệnh tâm thần (trong tổng số 29.317 người khuyết tật), trong đó có 5.109 người mắc bệnh tâm thần nặng và 2.088 người mắc bệnh tâm thần thể nhẹ (các huyện có số lượng đối tượng đông như Việt Trì: 679 đối tượng, Cẩm Khê: 1.037 đối tượng, Đoan Hùng 807 đối tượng); số lượng người mắc bệnh tâm thần nặng trong độ tuổi lao động là 5.412 người, chiếm tỷ lệ trên 75%; người tâm thần nặng thuộc diện hộ nghèo là 4.185 người, chiếm tỷ lệ 58%.

Hiện còn trên 300 người mắc bệnh tâm thần có biểu hiện quậy phá, bạo lực, một số bỏ nhà đi lang thang, đe dọa có khả năng gây ra các vụ việc vi phạm pháp luật (đặc biệt là nhóm đối tượng sử dụng chất ma túy đá), ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội.

II. Công tác trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần:

1. Công tác tham mưu tổ chức thực hiện:

UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 4621/KH-UBND ngày 19/11/2012 triển khai Quyết định số 1215/2011/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu và các giải pháp thực hiện đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp, từng ngành.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chú trọng chỉ đạo việc lồng ghép công tác trợ giúp người tâm thần vào các chương trình, hoạt động thuộc lĩnh vực trợ giúp xã hội khác có liên quan, cụ thể: Kế hoạch số 2538/KH-UBND ngày 02/8/2011 về triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch số 4151/KH-UBND ngày 09/10/2013 của UBND tỉnh về trợ giúp người khuyết tật tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2020; Quyết định số 2199/QĐ-UBND ngày 30/8/2013 về mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội công lập trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác thông tin truyền thông: Những năm qua, các Sở, ban, ngành có liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông... phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về những nội dung của Luật Người khuyết tật, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng … bằng nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, in tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, nói chuyện chuyên đề... giúp người dân có thêm nhận thức về cách phòng tránh các nguy cơ dẫn đến mắc bệnh tâm thần, phương pháp nhận biết, cách trợ giúp cũng như trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với công tác này. Khuyến khích mọi người dân bằng hành động cụ thể tạo điều kiện tốt nhất để người tâm thần có thể hòa nhập với cộng đồng hoặc kết nối gia đình có người mắc bệnh tâm thần đến những địa chỉ trợ giúp có chuyên môn phù hợp hơn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cuốn Cẩm nang các địa chỉ cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh cấp cho cán bộ làm công tác xã hội các cấp và gia đình các đối tượng xã hội. Đồng thời hình thành đường dây nóng trực tiếp tư vấn hỗ trợ người dân về sức khỏe tâm thần 24/24 giờ/ngày (02103.880.321).

3. Kết quả công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí:

Bệnh viện tâm thần tỉnh thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnhtổ chức thực hiện công tác chỉ đạo tuyến hướng dẫn các trạm y tế công tác triển khai thực hiện Dự án phòng, chống bệnh tâm thần tại cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế. Tại cộng đồng, người tâm thần được quản lý và điều trị tại trạm y tế cấp xã; tiến hành cấp phát thuốc cho bệnh nhân 2 lần/tháng vào ngày quy định; gia đình bệnh nhân được hỗ trợ, hướng dẫn trong việc tuân thủ dùng thuốc điều trị bệnh tâm thần. Công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người tâm thần được quan tâm, trong đó có trên 5 ngàn người mắc bệnh tâm thần được ngành y tế cấp sổ cấp thuốc và theo dõi định kỳ.

Thực hiện Nghị định số 28/2012/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Người khuyết tật, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5.029 người tâm thần hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng. Việc mở rộng, đa dạng hoá các hình thức bảo trợ người tâm thần bước đầu đã có hiệu quả, có 80 người tâm thần nặng, lang thang có hành vi gây nguy hiểm được tiếp nhận vào quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần của tỉnh, góp phần ổn định trật tự và an toàn xã hội.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí chủ yếu thuộc ngành y tế được định biên theo hệ thống của ngành. Trước đây, việc phát hiện bệnh, tư vấn chuyển gửi bệnh nhân đi khám tại trạm y tế xã, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ, hướng dẫn gia đình bệnh nhân trong việc tuân thủ dùng thuốc điều trị bệnh do nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên y tế thực hiện. Từ tháng 7/2014, đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội cấp xã đã trực tiếp triển khai thực hiện quản lý trường hợp tại cộng đồng, nhiều người tâm thần và gia đình người mắc bệnh tâm thần được lập kế hoạch trợ giúp hoặc kịp thời kết nối dịch vụ trợ giúp phù hợp.

Việc triển khai Đề án 1215 trợ giúp người tâm thần qua 4 năm đã khẳng định được những kết quả rõ nét, nhiều người bệnh và gia đình đã được giúp đỡ kịp thời, tạo cơ hội để người tâm thần hòa nhập cộng đồng.

4. Xây mới, nâng cấp, mở rộng và đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần: Căn cứ Quyết định số 1364/QĐ-LĐTBXH ngày 02/10/2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt “quy hoạch mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí”, trong đó tỉnh Phú Thọ được nâng cấp, mở rộng quy mô 01 cơ sở chăm sóc người tâm thần (từ 300 – 500 đối tượng); ngày 10/10/2013, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2559/QĐ-UBND về việc đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thành Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh, là loại hình trung tâm tổng hợp. Đồng thời xây dựng và triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp mở rộng khu chăm sóc và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Đến nay, một phần của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, số đối tượng là người tâm thần nặng, tâm thần lang thang, người tâm thần có hành vi nguy hiểm đang được chăm sóc tại đây là 80 người.

5. Đào tạo, tập huấn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần và công tác xã hội:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Bệnh viện tâm thần tỉnh tổ chức 08 lớp bồi dưỡng kỹ năng can thiệp, hỗ trợ đối với người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng cho cán bộ làm công tác Lao động – Thương binh xã hội và đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội cấp xã.

Trung tâm Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh đã có quy hoạch đào tạo cán bộ nhằm đáp ứng công tác chăm sóc người tâm thần trong thời gian tới.

III. Đánh giá chung:

1.Ưu điểm: Chủ trương của Nhà nước liên quan đến chính sách xã hội nói chung và người tâm thần nói riêng ngày càng toàn diện hơn, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng: về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hướng nghiệp và dạy nghề… Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã quan tâm, chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp trợ giúp đã giúp cho nhận thức của nhân dân về công tác này được nâng lên, mức trợ cấp của đối tượng và gia đình được nâng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn, đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng... cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đối tượng góp phần đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội

2. Tồn tại, hạn chế:

Số người tâm thần có nhu cầu chữa bệnh đang quá tải so với khả năng thực tế của Bệnh viện tâm thần của tỉnh. Bên cạnh đó, đa số người dân và một bộ phận gia đình có người mắc bệnh tâm thần chưa được nâng cao nhận thức, bổ xung kiến thức, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nên hiệu quả phòng bệnh, chữa bệnh, trợ giúp còn thấp, người dân còn xa lánh, kỳ thị hoặc ngại tiếp xúc với người mắc bệnh tâm thần.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội, điều trị tại các bệnh viện mới chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm tâm thần thể nặng. Một số biểu hiện rối nhiễu tâm trí, tâm thần khác chưa được chú trọng.Các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang được xem là vấn đề của ngành y tế, xu hướng chú trọng nhiều vào khía cạnh trị liệu hơn là phát hiện sớm và phòng ngừa.

Cơ sở chăm sóc người tâm thần cần được hỗ trợ mô hình lao động trị liệu phù hợp cho đối tượng là người tâm thần sau khi điều trị ổn định. Nhiều đối tượng bị sao nhãng, bỏ rơi, không có người đón về hòa nhập cộng đồng cần được hỗ trợ các hoạt động lao động lâu dài tại trung tâm.

[...]