Kế hoạch 1217/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 1217/KH-UBND
Ngày ban hành 22/02/2023
Ngày có hiệu lực 22/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1217/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 22 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06/NQ-CP NGÀY 10/01/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG LINH HOẠT, HIỆN ĐẠI, HIỆU QUẢ BỀN VỮNG VÀ HỘI NHẬP NHẰM PHỤC HỒI NHANH KINH TẾ - XÃ HỘI

Triển khai Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Tạo tiền đề vững chắc để xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong nước và thị trường lao động quốc tế.

b) Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện để người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn. Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp dưới 57%.

b) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt tối thiểu 6,5%/năm.

c) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 23,6%.

d) Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 1,2%/năm, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2%/năm; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 5%.

đ) Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 22,54%.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Triển khai thực hiện chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại

a) Rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về bảo hiểm thất nghiệp, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho người lao động; quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp; kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

b) Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động đối với các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; người lao động là dân tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

c) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

d) Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

đ) Đầu tư phát triển hiện đại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, đề xuất mô hình liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành thị trường lao động và tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm, người sử dụng lao động để tiếp cận cung lao động.

2. Phục hồi và ổn định thị trường lao động

a) Xây dựng kế hoạch, thống nhất quy trình, phương pháp và tổ chức thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu phân tích dự báo thông tin thị trường lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Phối hợp triển khai giải pháp số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh và Trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích, khai thác và dự báo về cung - cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng.

d) Tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

3. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động

a) Tăng cường đầu tư nguồn lực các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ, cụ thể như sau:

- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, đào tạo kỹ năng nghề tại nơi làm việc. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.

[...]