Kế hoạch 121/KH-UBND năm 2023 thực hiện chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Số hiệu 121/KH-UBND
Ngày ban hành 10/04/2023
Ngày có hiệu lực 10/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Trần Đức Quý
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/KH-UBND

Hà Giang, ngày 10 tháng 04 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

Thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 612-KH/TU ngày 08/10/2020 của Ban chấp hành Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 06/10/2021 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Giang; xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đơn vị, địa phương, phù hợp với điều kiện chung của tỉnh.

- Thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch này. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện.

- Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này cần thực hiện đồng bộ với các chương trình, đề án, kế hoạch về xây dựng và phát triển văn hoá, con người của UBND tỉnh đã ban hành, đảm bảo phù hợp với điều kiện chung của tỉnh cũng như mỗi địa phương.

- Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, gắn kết hài hoà giữa giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại. Xây dựng con người mang đặc trưng của vùng đất Hà Giang thân thiện, hiền hoà, mến khách và đặc trưng cơ bản của con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; hướng tới chuẩn mực con người văn minh hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, có ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển quê hương, đất nước.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Hà Giang góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện đa dạng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, trong đó quan tâm tới các đối tượng chính sách và yếu thế trong xã hội; đẩy nhanh việc thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn. Lựa chọn, xây dựng và phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế. Xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài và huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

- Phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu tại Chiến lược văn hoá phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phấn đấu các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Bảo tàng, Thư viện, Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi đạt chuẩn theo quy định. Bổ sung nâng cấp và từng bước hiện đại hóa Khu Liên hợp thể thao của tỉnh.

- Phấn đấu 100% đơn vị cấp huyện, thành phố có: Trung tâm Văn hóa Thông tin và Du lịch đạt chuẩn theo quy định, tối thiểu có 02 công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu thể thao đa năng, sân vận động hoặc bể bơi), thư viện được bổ sung, luân chuyển sách báo thường xuyên, từng bước xây dựng Nhà văn hóa thiếu nhi.

- Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa (Hội trường đa năng) trong đó 65% đạt chuẩn, tối thiểu mỗi xã có 01 công trình thể thao cơ bản.

- Phấn đấu 100% thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa, trong đó 65% đạt chuẩn, 100% số thôn, tổ dân phố có tủ sách báo trong Nhà văn hóa.

- Bảo đảm ít nhất 75% người ở dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

- Phấn đấu tỷ lệ gia đình văn hóa trên 80%; cơ quan, đơn vị văn hóa trên 85%; làng, khu phố văn hóa trên 75%.

- Phấn đấu đến năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Khu du lịch quốc gia.

- Duy trì thực hiện tu bổ, tôn tạo mỗi năm 1-3 di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia.

[...]