Kế hoạch 581/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Số hiệu 581/KH-UBND
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 30/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Hương Giang
Lĩnh vực Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 581/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 71-NQ/TU NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH KHÓA XX VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ, CON NGƯỜI BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030 ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (Nghị quyết số 71-NQ/TU);

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX với quyết tâm cao, hiệu quả trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với quá trình chủ động hội nhập quốc tế; đặt văn hóa song hành với phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội về văn hóa, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội và phát triển toàn diện của con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;

- Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được trong 07 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) (Nghị quyết 33-NQ/TW), chú trọng các giải pháp phát triển, khai thác toàn diện, tiềm năng, thế mạnh của văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, góp phần xây dựng đặc trưng văn hóa của con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện Nghị quyết phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ, bảo đảm tính khả thi; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đơn vị, địa phương, phù hợp với điều kiện chung của tỉnh, tạo sự phát triển đồng bộ môi trường văn hóa, con người văn hóa, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa;

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thấm nhuần truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc.

- Tăng cường đầu tư cho văn hoá để văn hoá không chỉ là động lực tinh thần mà phải trở thành lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả của du lịch ,dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo sinh kế bền vững trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

1.1. Mục tiêu

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong đời sống xã hội, trong sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh toàn diện, mang nét đặc trưng của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc (truyền thống cần cù, hiếu học, đấu tranh anh dũng), đồng thời phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, các đối tượng chính sách và yếu thế; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tiềm năng, lợi thế; xây dựng cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh.

1.2. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh hoàn thành việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU trong năm 2022;

- Đảm bảo 100% hộ gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hệ giá trị của gia đình truyền thống và hiện đại, phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình;

- Phấn đấu 90% trở lên số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; 88% trở lên Khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá, trong đó, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất 5% số mô hình điểm Khu dân cư văn hóa tiêu biểu; 90% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; 70% trở lên phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh;

- 100% các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định về văn hoá công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% các khu dân cư thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật;

- Quan tâm đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá, thể thao công lập cấp tỉnh; tăng cường phát huy các thiết chế văn hoá lớn tạo sức lan toả: Nâng cấp Bảo tàng, Thư viện tỉnh; xây dựng Trung tâm triển lãm và thu hút đầu tư Rạp chiếu phim đạt chuẩn quốc tế…; từng bước triển khai đầu tư xây dựng Khu liên hiệp thể thao. Xây dựng cơ chế nhằm tăng cường thu hút đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao ngoài công lập;

- 100% đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa đạt chuẩn (bao gồm các thiết chế: Nhà văn hóa, nhà trưng bày - phòng truyền thống, thư viện) và 03 công trình thể thao cơ bản (Nhà thi đấu đa năng, sân vận động, bể bơi) đạt chuẩn theo quy định; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có quảng trường, tượng đài, công viên; trên 50% đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà văn hóa thanh thiếu nhi;

- 100% Khu công nghiệp có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó, có tối thiểu 30% khu công nghiệp đang hoạt động xây dựng được Trung tâm Văn hóa - Thể thao phục vụ công nhân, người lao động;

- Định kỳ 02 năm hoặc 04 năm/lần tổ chức Festival “Về miền Quan họ”; 03 năm/lần tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng quy mô toàn tỉnh;

- Phấn đấu có thêm từ 01 đến 02 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh; hoàn thành kiểm kê khoa học đối với các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh; 80% di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng chương trình, đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị; 70% các làng Quan họ gốc được đầu tư, phục dựng Nhà thực hành Quan họ (“Nhà Chứa” Quan họ);

- Có từ 45 đến 50% di tích trên địa bàn tỉnh được xếp hạng; có thêm từ 01 đến 02 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt; có từ 03 đến 05 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia; 100% các di tích quốc gia đặc biệt hoàn thiện công tác tu bổ, tôn tạo theo quy hoạch được phê duyệt; 70% di tích Quốc gia được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp;

[...]