Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 23-NQ/TW
Ngày ban hành 16/06/2008
Ngày có hiệu lực 16/06/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 23-NQ/TW

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG THỜI KỲ MỚI

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) của Đảng ta đã nêu lên mục tiêu và những nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, văn học, nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng.

Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, văn học, nghệ thuật nước nhà đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt.

Nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sĩ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

I- Tình hình văn học, nghệ thuật thời gian qua

Thời gian qua (1998 - 2008), trong bối cảnh tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, trình độ dân trí của nhân dân ta từng bước được nâng cao, nhu cầu văn hoá ngày càng phong phú, đa dạng, các phương tiện truyền bá ngày càng hiện đại, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc, những đặc điểm mới, đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém đan xen nhau.

1. Thành tựu

- Nhìn tổng thể, văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hoá về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định. Lực lượng văn nghệ sĩ và văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật của các dân tộc đạt được những kết quả thiết thực. Sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển; nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ra đời, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật cổ truyền và thưởng thức văn học, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở.

- Công tác lý luấn văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Tư tưởng văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông được quan tâm nghiên cứu. Các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thoả đáng. Một số phương pháp nghiên cứu văn học, nghệ thuật phi truyền thống được vận dụng, bước đầu đem lại kết quả tốt. Phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo.

- Các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển khá mạnh đã đưa được nhiều tác phẩm đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Đã hình thành một thị trường hàng hoá và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật ở trong nước; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hoá quốc tế trong thời kỳ mới.

- Đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp, xứng đáng với danh hiệu cao quý nghệ sĩ - chiến sĩ, là lực lượng nòng cốt trực tiếp tạo nên nền văn học, nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ mới. Hiện nay, đội ngũ này gồm nhiều thế hệ nối tiếp và gắn bó với nhau. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận có bước phát triển về quy mô, loại hình, mạng lưới. Đội ngũ giảng viên về văn học, nghệ thuật được bổ sung, trình độ được nâng cao, có khả năng đào tạo hầu hết các ngành, nghề trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, một số điều kiện đặc thù cho dạy và học từng bước được đầu tư, nâng cấp.

- Tư duy lý luận và quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển, góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin cho văn nghệ sĩ. Các cấp uỷ đảng có nhiều cố gắng theo sát thực tiễn văn nghệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và tìm tòi các phương thức chỉ đạo phù hợp, thiết thực.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã cố găng nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hoá, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn học, nghệ thuật; bước đầu xã hội hoá có kết quả một số hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Các hội văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương tiếp tục giữ vững định hướng chính trị, cố gắng tập hợp, đoàn kết đội ngũ, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo.

2-Yếu kém, khuyết điểm

So với yêu cầu phát triển đất nước và những định hướng được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian qua còn bộc lộ một số yếu kem, khuyết điểm:

- Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tấc phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội – thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước. Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước... Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên.

- Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó.

Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...

- Một số sản phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Một số đài truyền hình đã phát những chương trình ca nhạc, phim... không lành mạnh, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng. Nhìn chung, còn ít sản phẩm văn hoá đến được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số tác phẩm có giá trị của ta được giới thiệu ra nước ngoài còn hạn chế; trong khi đó, một số sản phẩm không phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hoá của dân tộc, thậm chí độc hại, phản động của nước ngoài lại xâm nhập vào nước ta, gây nên nhiều tác động tiêu cực.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, yếu kém: chương trình, nội dung lạc hậu; chất lượng đào tạo toàn diện về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, đạo đức, thể chất không bảo đảm; chưa chú trọng đúng mức tính đặc thù, chuyên biệt và yêu cầu đào tạo tài năng; không quan tâm gửi giảng viên và sinh viên các ngành nghệ thuật đào tạo ở nước ngoài; đội ngũ giáo viên đầu đàn, có trình độ chuyên môn cao bị thiểu hụt ngày càng nhiều; điều kiện và phương tiện phục vụ dạy và học vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Đội ngũ lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bổ không đều ở các ngành nghệ thuật.

Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp uỷ đảng, cơ quan nhà nước bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới; chưa lường hết được tác động phức tạp, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn tới sự lúng túng, thụ động khi định hướng và xử lý những vấn đề mới phát sinh. Việc thể chế hoá các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm; một số cơ chế, chính sách rất quan trọng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đến nay vẫn chưa được cụ thể hoá để thực hiện. Nhiều chính sách đối với văn nghệ và văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi. Thiếu định hướng và tiêu chí cụ thể cho việc chọn lọc, kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống cũng như chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại trong thời gian qua còn nhiều bất cập, có lúc không rõ tiêu chí, thiếu định hướng. Chưa xây dựng được những công trình trung tâm lớn cho hoạt động văn hoá, nghệ thuật, tương xứng với vị thế của đất nước thời kỳ mới.

Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở.

Một số hội văn học, nghệ thuật chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lúng túng trong việc tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ, xác lập các chuẩn mực đánh giá, thẩm định tác phẩm. Đáng chú ý là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước với các hội văn học, nghệ thuật trong việc thực hiện đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật của Đảng và Nhà nước.

Nguyên nhân của những bất cập, yếu kém nêu trên có nhiều, chủ yếu là những nguyên nhân chủ quan.

Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quan điểm, chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức. Một số vấn đề cốt lõi và mới đặt ra trong lĩnh vực này chưa được lý giải thấu đáo, thiếu thống nhất. Công tác tổng kết thực tiễn chưa theo kịp sự phát triển, vì thế có lúc lúng túng, thiếu những quyết sách cơ bản, chủ động; có biểu hiện vừa buông lỏng, hữu khuynh, vừa áp đặt, chủ quan, thiếu tầm nhìn xa. Chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá, văn nghệ - nền tảng tinh thần của xã hội - chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa coi trọng và thiếu hiểu biết đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của văn học, nghệ thuật, chậm thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng. Đầu tư cho văn hoá, văn nghệ chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả.

II- Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thòi kỳ mới

[...]