Kế hoạch 120/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án "Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 120/KH-UBND
Ngày ban hành 01/03/2023
Ngày có hiệu lực 01/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 120/KH-UBND

Nghệ An, ngày 01 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP VIỆT NAM THAM GIA TRỰC TIẾP CÁC MẠNG PHÂN PHỐI NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An (sau đây gọi là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” (sau đây gọi là Đề án).

- Vận dụng có hiệu quả Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài.

2. Yêu cầu

- Bám sát Đề án để triển khai thực hiện Kế hoạch, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của tỉnh.

- Các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch hoặc lồng ghép vào Chương trình, Kế hoạch công tác của đơn vị, lộ trình và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Hằng năm, có rà soát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, tổng hợp khó khăn vướng mắc để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

II. MỤC TIÊU

- Hỗ trợ về thông tin thị trường cho 500 - 1000 lượt doanh nghiệp.

- Hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho trên 500 lượt doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Hỗ trợ 200 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

- Tổ chức 200 lượt doanh nghiệp kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài.

- Phấn đấu hỗ trợ từ 100 - 300 lượt sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.

- Phấn đấu đến năm 2030, đưa sản phẩm chủ lực của tỉnh có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả các quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường

- Thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế cho doanh nghiệp bằng cách gửi thông tin trực tiếp đến doanh nghiệp và qua Cổng thông tin điện tử tỉnh. Cung cấp thông tin, phổ biến chính sách của các nhà phân phối đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt, có những điều chỉnh cần thiết, nhằm đáp ứng tiêu chí, yêu cầu để trở thành nhà cung ứng cho các mạng phân phối nước ngoài.

- Phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội ngành hàng và các tập đoàn phân phối nước ngoài để xây dựng tài liệu về quy trình lựa chọn sản phẩm, doanh nghiệp cung ứng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu nhằm hướng dẫn cho các doanh nghiệp của tỉnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, cung ứng hàng hóa đáp ứng yêu cầu chất lượng của các nhà phân phối nước ngoài.

- Xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trao đổi, tìm hiểu thông tin thị trường quốc tế.

- Phối hợp với các Cơ quan Thương vụ Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Ủy ban người Việt và Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng, cập nhật, chia sẻ hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về các ngành hàng, doanh nghiệp của tỉnh cho các đối tác, tập đoàn cung ứng trên thế giới.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài

- Hằng năm tổ chức 3-5 cuộc tập huấn đào tạo doanh nghiệp nâng cao năng lực trong phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu của mạng phân phối.

- Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng của mạng phân phối nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo, phổ biến thông tin. Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất, dịch vụ thông minh.

- Phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cung ứng cho mạng phân phối nước ngoài thông qua những hình thức phù hợp với thực tế; Hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, tăng khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro, tính hiệu quả của doanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay; Kết nối doanh nghiệp của tỉnh với mạng lưới chuyên gia tư vấn sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; tổ chức sản xuất hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường và các tập đoàn phân phối; Hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất của thị trường nhập khẩu nói chung và các tập đoàn phân phối quốc tế nói riêng.

[...]