Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2023 về triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” do thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 25/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2023
Ngày có hiệu lực 09/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Hồ Kỳ Minh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 09 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP VIỆT NAM THAM GIA TRỰC TIẾP CÁC MẠNG PHÂN PHỐI NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2030”

Thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg, góp phần triển khai đầy đủ, có hiệu quả Đề án.

2. Yêu cầu

a) Đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và theo quy định của pháp luật.

b) Xác định nội dung công việc cụ thể gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố, đảm bảo tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.

c) Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

2. Khuyến khích doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của địa phương.

3. Xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn thành phố với các mạng phân phối nước ngoài thông qua kênh xuất khẩu truyền thống và kênh thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bền vững.

4. Góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững, từ đó tăng khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu địa phương, xây dựng hình ảnh địa phương có sản phẩm chất lượng, uy tín.

5. Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường; đào tạo và tư vấn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

6. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường

a) Các sở, ban, ngành (đặc biệt là các cơ quan chức năng cung cấp thông tin về đầu tư, thương mại) thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế; Hỗ trợ cung cấp thông tin, chính sách của các nhà phân phối đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước để kịp thời nắm bắt, có những điều chỉnh cần thiết, nhằm đáp ứng tiêu chí, yêu cầu để trở thành nhà cung ứng cho các mạng phân phối nước ngoài.

b) Phối hợp các cơ quan Trung ương phổ biến đến doanh nghiệp các tài liệu về quy trình lựa chọn sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu, nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thành phố áp dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu chất lượng của các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối Mạng lưới chuyên gia tư vấn xuất khẩu để giúp tư vấn cho doanh nghiệp, hướng dẫn về thị trường, xuất khẩu, marketing, xây dựng thương hiệu.

c) Các sở, ban, ngành, đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách trong việc cung cấp thông tin về ngành hàng, doanh nghiệp thành phố để làm cơ sở xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về ngành hàng và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (nếu có đề nghị); phối hợp triển khai ứng dụng các công cụ, phân tích, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích thị trường, kết nối doanh nghiệp.

d) Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Cổng thông tin trực tuyến của Đề án và các kênh thông tin trên nền tảng số khác nhằm đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ và thường xuyên, giúp kết nối doanh nghiệp thành phố và tập đoàn phân phối nước ngoài.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài

a) Hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu của mạng phân phối; nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm (nhất là các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh), đáp ứng những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng của mạng phân phối nước ngoài; nâng cao khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cung ứng cho mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, tăng khả năng quản lý/kiểm soát rủi ro, tính hiệu quả của doanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay.

b) Hỗ trợ thông tin đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng được các chứng chỉ tiêu chuẩn về sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu nói chung và Tập đoàn phân phối nói riêng.

3. Hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững

a) Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu xanh - sạch: Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc tự chủ, đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động phát triển nguồn nguyên liệu xanh, sạch để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, ổn định chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, thương mại trong nước và giữ vững mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

[...]