Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 119/KH-UBND
Ngày ban hành 12/08/2016
Ngày có hiệu lực 12/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Hoàng Văn Trà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Phú Yên, ngày 12 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐƯA DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh (Khóa VI) về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 -2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 128/QĐ-UBND, ngày 19/01/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh (Khóa VI) về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư góp phần phát triển du lịch tỉnh;

- Khai thác và phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch biển, đảo, đầm, vịnh, rừng núi và nét văn hóa đặc trưng của Phú Yên để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường sinh thái;

- Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra đảm bảo nguồn lực để thực hiện tạo đột phá theo hướng phát triển nhanh và bền vững, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ...; chú trọng khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cộng đồng.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

1.1. Mục tiêu

- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

- Từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.

1.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Lượt khách du lịch tăng bình quân trên 17 %/năm, trong đó khách quốc tế tăng trên 60%/năm. Phấn đấu trong 5 năm thu hút hơn 7.000.000 lượt khách du lịch đến tỉnh, trong đó khoảng 1.000.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2020, tiếp đón hơn 2.000.000 lượt khách, trong đó có khoảng 490.000 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú bình quân từ khoảng từ 1,8 - 2,5 ngày.

- Thu nhập du lịch tăng bình quân trên 29,5%/năm. Đến năm 2020 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Chi tiêu bình quân khách quốc tế: 65 - 70 USD/người/ngày, khách nội địa: 43 - 45 USD/người/ngày.

- Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Đến năm 2020, có trên 250 cơ sở lưu trú du lịch với 5.800 buồng, trong đó có khoảng 12 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao, công suất sử dụng buồng trung bình năm đạt 50 - 60%.

- Nguồn nhân lực du lịch: Đến năm 2020, số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 8.000 người, tăng bình quân 17%/năm; bảo đảm có từ 70 - 80 % lao động được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành.

2. Nhiệm vụ

2.1. Tập trung lập quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; các chương trình hành động, Nghị quyết, Quyết định của tỉnh về quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch.

- Phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài trong năm 2016, làm cơ sở xúc tiến đầu tư.

- Nghiên cứu các đề tài khoa học làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch: Xây dựng Đề án Công viên địa chất tại khu vực gành Đá Đĩa; Triển khai cụ thể các đề tài khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch đã được phê duyệt làm cơ sở xúc tiến đầu tư sản phẩm du lịch và quảng bá thu hút khách.

- Điều chỉnh quy hoạch hai bên đường Độc Lập, đường Lê Duẩn (TP.Tuy Hòa) và đầu tư hạ tầng công viên văn hóa du lịch bãi biển Tuy Hòa để hình thành khu du lịch biển Tuy Hòa (theo tiêu chí khu du lịch địa phương của Luật Du lịch).

- Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm đường bộ Đèo Cù Mông; đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Quốc lộ 25, Quốc lộ 29; kiến nghị tăng tần suất bay các chuyến bay từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến Phú Yên, mở thêm các tuyến bay mới từ Phú Yên đi Cần Thơ, Đà Nẵng và hướng tới một số nước; đề xuất cải tạo, nâng cấp ga đường sắt Tuy Hoà.

- Tập trung đầu tư trục giao thông ven biển, đoạn Bắc cầu An Hải đến Quốc lộ 1 (tại Gành Đỏ); đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 1 đến bãi biển Từ Nham; từ Quốc lộ 1 đến Nhất Tự Sơn; Quốc lộ 1 đến Vũng La; đường nối từ tuyến đường động lực ven biển đến Bãi Bàng (bãi biển phía Nam gành Đá Đĩa); tuyến đường bộ từ gành Đá Đĩa đến gành Đèn; tuyến đường bộ đi phía đông gành Đá Đĩa, cải tạo đường đi bộ lên đỉnh núi Đá Bia; tuyến đường nối Quốc lộ 19C đi khu vực suối nước nóng Triêm Đức, huyện Đồng Xuân; tuyến đường quanh vịnh Xuân Đài để hình thành khu du lịch quốc gia. Huy động nhiều nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường đến các khu di tích, danh thắng mang nét độc đáo riêng và một số tuyến đường đến các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông chưa phát triển như: Long Thủy, Phú Thường, Bãi Bàng, Bãi Ôm, Từ Nham, Bãi Nồm…

- Xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng bến tàu du lịch, cầu phao nổi tại khu vực vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, sông Chùa, Vũng Rô, hòn Lao Mái N, hòn Chùa, hòn Nưađể phát triển du lịch biển đảo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cảnh quan tại khu vực bãi biển TP.Tuy Hòa; hạ tầng trạm dừng xe du lịch trên Quốc lộ 1D (tại xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu); trạm dừng xe trên Quốc lộ 1 (tại xã An Chấn) và tại xã Hòa Xuân Nam với hình thức đầu tư phù hợp.

[...]