Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2013 khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ hành chính công và công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 119/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2013
Ngày có hiệu lực 30/08/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 30 tháng 08 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

KHẢO SÁT TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN ĐỐI VỚI DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG VÀ CÔNG CHỨC LÀM VIỆC TẠI BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Nhằm khảo sát sự hài lòng của tổ chức, công dân về chất lượng dịch vụ hành chính công và công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh kịp thời nắm được chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính và năng lực, đạo đức của công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.

- Thu thập ý kiến của tổ chức, công dân để định hướng các giải pháp cải thiện chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khảo sát nhằm tăng cường việc tự động hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí khảo sát.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm tính trung thực, khách quan, dân chủ, minh bạch; phản ánh đúng thực tế hoạt động, làm rõ ưu điểm và hạn chế của hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công và đưa ra các biện pháp khắc phục.

- Phải được thực hiện thường xuyên thông qua phần mềm khảo sát trực tuyến, dữ liệu khảo sát tập trung về Sở Nội vụ, hàng quý Sở Nội vụ có thông báo kết quả đến các cơ quan, đơn vị và công khai trên website phần mềm khảo sát.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT

1. Phạm vi khảo sát

a) Giai đoạn 1: Tiến hành khảo sát đối với các dịch vụ hành chính công mang tính thường xuyên như: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép xây dựng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hộ khẩu,… và công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của thành phố Cao Lãnh. Thời gian thực hiện: Trong năm 2013.

b) Giai đoạn 2: Mở rộng việc thí điểm tại 05 huyện, thị xã đang thực hiện cơ chế một cửa điện tử khác gồm: thị xã Sa Đéc, huyện Tháp Mười, huyện Lấp Vò, huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh. Thời gian thực hiện: Trong năm 2014.

Trên cơ sở kết quả thực hiện, Ủy ban nhân dân Tỉnh tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện rộng rãi việc khảo sát trực tuyến các dịch vụ hành chính công và công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (kể cả các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh).

2. Đối tượng khảo sát: Tổ chức, công dân có giao dịch hành chính với các cơ quan, đơn vị.

III. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT

1. Nội dung khảo sát

a) Đối với công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả: Quy định chi tiết tại Phụ lục I (có phụ lục kèm theo).

b) Đối với chất lượng dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị: Quy định chi tiết tại Phụ lục II (có phụ lục kèm theo).

2. Phương pháp khảo sát: Sử dụng phần mềm khảo sát trực tuyến.

- Khảo sát trực tiếp: Thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thông qua các thiết bị điện tử như: Máy tính, màn hình cảm ứng (được kết nối với website phần mềm khảo sát) để tổ chức, công dân đánh giá sau khi nhận được kết quả cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan, đơn vị.

- Khảo sát gián tiếp: Tuyên tuyền, vận động tổ chức, công dân đã thực hiện giao dịch hành chính công tham gia đánh giá thông qua các phương thức như: Truy cập website phần mềm khảo sát theo địa chỉ được cung cấp; đặt liên kết website phần mềm khảo sát trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị để tổ chức, công dân tiếp cận truy cập, đánh giá; gửi thư kèm theo liên kết địa chỉ website phần mềm khảo sát đến email của công dân, tổ chức đã có giao dịch thủ tục hành chính với cơ quan, đơn vị.

3. Số lượng khảo sát: Số lượng ý kiến khảo sát cần đảm bảo tỷ lệ nhất định phù hợp với số lượng hồ sơ giải quyết ở từng cơ quan, đơn vị trong năm:

Số lượt công dân, tổ chức giao dịch

Tỷ lệ mẫu khảo sát tối thiểu

Từ 100 trở xuống

Khảo sát toàn bộ (100%)

Từ trên 100 đến 1.000

20% tổng số lượt giao dịch (tối thiểu phải đạt 100)

Từ trên 1.000 đến 5.000

10% tổng số lượt giao dịch (tối thiểu phải đạt 200)

Trên 5.000

5% tổng hồ sơ (tối thiểu phải đạt 500)

4. Thời gian tổ chức khảo sát: Tiến hành thường xuyên thông qua các hình thức khảo sát đã nêu, tuy nhiên, cần tổ chức ít nhất mỗi năm 02 đợt khảo sát tập trung để bảo đảm chất lượng khảo sát và số lượng ý kiến khảo sát.

5. Kết quả khảo sát

[...]