Quyết định 31/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về tổ chức trưng cầu ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 31/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/06/2007
Ngày có hiệu lực 24/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 31/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRƯNG CẦU Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN ĐỐI VỚI VIỆC CUNG ỨNG DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006 – 2010;
Căn cứ Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp;
Thực hiện Quyết định số 5714/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010 của thành phố Đà Nẵng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc tổ chức trưng cầu ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRƯNG CẦU Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA TỔ CHỨC, CÔNG DÂN ĐỐI VỚI VIỆC CUNG ỨNG DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích:

Trưng cầu ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là trưng cầu ý kiến) nhằm xác định mức độ hưởng thụ lợi ích từ dịch vụ hành chính công; phát huy quyền làm chủ và tham gia xây dựng chính quyền nhà nước của nhân dân.

Đối với các cơ quan cung ứng dịch vụ hành chính công, kết quả trưng cầu ý kiến là cơ sở để thu thập ý kiến cộng đồng về dịch vụ; là nội dung tham khảo để theo dõi, đánh giá và đề ra biện pháp hành động trong công tác cải cách hành chính.

2. Yêu cầu:

Trưng cầu ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân là nội dung quan trọng trong hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công, tác động trực tiếp đến cơ quan, lĩnh vực cần trưng cầu và dư luận xã hội. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo tính khoa học, khách quan, dân chủ, minh bạch; phản ánh đúng khả năng và thực tế hoạt động, làm rõ ưu điểm và hạn chế của hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Việc trưng cầu ý kiến theo Quy định này được áp dụng đối với tất cả các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý có nhiệm vụ cung ứng dịch vụ hành chính công theo quy định của pháp luật hiện hành;

2. Đối tượng được trưng cầu ý kiến là công dân, tổ chức đã có giao dịch hành chính công với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Điều 3. Nguyên tắc trưng cầu ý kiến

1. Các cơ quan cung ứng dịch vụ hành chính công phải tổ chức trưng cầu ý kiến ít nhất một (01) lần trong một (01) năm;

2. Mọi công dân, tổ chức đều có thể được trưng cầu ý kiến đánh giá mức độ hài lòng đối với cơ quan, lĩnh vực giao dịch hành chính công đã thực hiện trên tinh thần tự nguyện và vì lợi ích chung;

[...]