Quyết định 1610/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm tổ chức mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông năm 2016 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 1610/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/08/2016
Ngày có hiệu lực 02/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Phóng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1610/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 02 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC MÔ HÌNH BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ HIỆN ĐẠI THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG NĂM 2016

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ: Số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP;

Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 19/8/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hưng Yên;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 393/TTr-SNV ngày 21/7/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án thực hiện thí điểm tổ chức mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông năm 2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang; Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên; Chủ tịch UBND phường An Tảo, Hiến Nam (thành phố Hưng Yên); thị trấn Khoái Châu, xã Dân Tiến (huyện Khoái Châu); thị trấn Như Quỳnh, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm); xã Long Hưng, Mễ Sở (huyện Văn Giang) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phóng

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC MÔ HÌNH BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ HIỆN ĐẠI THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1610/QĐ-UBND ngày 02/8/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Thực trạng tình hình thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước

Trong những năm qua, việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân được nâng lên; mối quan hệ giữa chính quyền với tổ chức, cá nhân từng bước thay đổi theo hướng hành chính phục vụ, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính của tỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, mô hình hoạt động theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Mô hình hoạt động theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đúng quy định do cán bộ kiêm nhiệm, chủ yếu từ các phòng, ban chuyên môn được phân công trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ 02 đến 03 ngày trong 1 tuần, có trường hợp khi có hồ sơ mới đến tiếp nhận;

- Mối quan hệ giữa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phòng, ban chuyên môn trong giải quyết công việc đôi khi còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự ràng buộc cụ thể giữa trách nhiệm và kết quả giải quyết;

- Tính độc lập và chuyên trách trong hoạt động chưa đảm bảo; chất lượng, hiệu quả giao dịch trên một số lĩnh vực còn hạn chế;

- Việc kiểm tra, giám sát hoạt động và sự phân công cán bộ trực của các phòng, ban chuyên môn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện thường xuyên, chưa kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết hồ sơ chậm, kéo dài;

- Quy trình từ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả còn thiếu chặt chẽ, chưa khép kín, cá nhân, tổ chức vẫn phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan, đơn vị để giải quyết TTHC;

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, cũ và lạc hậu; chưa có hệ thống phần mềm quản lý và hệ thống đấu nối Internet tốc độ cao để giải quyết công việc; diện tích phòng đa số chưa đảm bảo theo quy định (chỉ có 08 đơn vị đáp ứng yêu cầu: Sở Giao thông Vận tải, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên).

[...]