Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2017 triển khai chương trình thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 118/KH-UBND
Ngày ban hành 25/04/2017
Ngày có hiệu lực 25/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/KH-UBND

Hà Giang, ngày 25 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07-NQ/TW NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI NSNN, QUẢN LÝ NỢ CÔNG ĐỂ ĐẢM BẢO NỀN TÀI CHÍNH QUỐC GIA AN TOÀN, BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 18 tháng 4 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình số 28-CTr/TU ngày 18 tháng 4 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 28-CTr/TU ngày 18 tháng 4 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tăng cường sự lãnh đạo của các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công trên địa bàn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công trên địa bàn.

- Xác định cụ thể các nhiệm vụ, chỉ đạo, định hướng các giải pháp cần triển khai để bảo đảm thực hiện đồng bộ chương trình, góp phần thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thu, chi NSNN và quản lý nợ công.

- Tăng cường xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu của chương trình bằng cách ban hành cơ chế, chính sách khả thi, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

- Kết hợp giải quyết hài hòa giữa các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công theo mục tiêu đã định.

II. Nội dung kế hoạch

1. Cơ cấu thu NSNN trên địa bàn

a) Chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn:

Thực hiện theo Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

b) Cơ cấu thu NSNN trên địa bàn:

- Thu nội địa chiếm khoảng 85 - 88% tổng thu, trong thu nội địa thu từ lĩnh vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng 60 - 65%.

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm khoảng 10% tổng thu.

2. Cơ cấu chi ngân sách địa phương

- Trong tổng chi ngân sách địa phương: Tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 20 - 22%, tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 68 - 70%.

- Điều chỉnh cơ cấu đầu tư XDCB theo hướng bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, có chọn lọc; tập trung thanh toán nợ XDCB, trả nợ gốc tiền vay và chỉ tập trung đầu tư phát triển kinh tế trọng điểm có tính đột phá, ưu tiên phát triển vùng động lực theo hướng liên kết vùng.

- Trong tổng chi thường xuyên: Đảm bảo chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ cao hơn hoặc bằng dự toán trung ương giao; giảm dần số chi từ NSNN cho sự nghiệp y tế gắn với lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế và chi quản lý hành chính gắn với lộ trình tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức để dành nguồn lực cho sự nghiệp kinh tế, phấn đấu tỷ trọng chi sự nghiệp kinh tế chiếm khoảng 12 - 15% tổng chi thường xuyên.

- Bố trí kế hoạch để trả nợ gốc, lãi và phí tiền vay đúng hạn theo cam kết, bảo đảm số dư nợ gốc tiền vay của ngân sách địa phương nằm trong hạn mức vay nợ theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công (không quá 20% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp).

III. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Phấn đấu tăng thu, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

- Tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất các giải pháp tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN, thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, trong cơ cấu thu nội địa phấn đấu tăng dần số thu từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ du lịch và sản xuất, chế biến nông lâm sản, làm tốt công tác dự báo và quản lý thu từ lĩnh vực XDCB, khai thác khoáng sản, thủy điện; quản lý khai thác tốt số thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo ngành chức năng chủ động trong công tác phân tích, dự báo về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm cơ sở để rà soát, đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu NSNN trên địa bàn. Giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị đảm bảo sát với tình hình thực tế và tuân thủ chính sách thu.

[...]