Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình hành động 13-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 13/07/2017
Ngày có hiệu lực 13/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 13 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 13-CTR/TU NGÀY 16/3/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 07-NQ/TW NGÀY 18/11/2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, QUẢN LÝ NỢ CÔNG ĐỂ ĐẢM BẢO NỀN TÀI CHÍNH QUỐC GIA AN TOÀN, BỀN VỮNG

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;

Căn cứ Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;

Căn cứ Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 16/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 16/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đảm bảo đúng định hướng.

b) Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phù với điều kiện thực tế của tỉnh, từng cấp, từng ngành ở địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.

2. Yêu cầu

a) Cụ thể hóa nội dung Chương trình hành động Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 16/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đảm bảo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, các quy định khác có liên quan và phù hợp với tình hình của địa phương trong việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

b) Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, lộ trình, thời gian thực hiện để các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

c) Các sở, ban, ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 16/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch này đạt hiệu quả cao nhất.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nguồn thu nội địa bền vững, lâu dài

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư; thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách ưu đãi về thuế; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực.

Tổ chức thực hiện đúng, kịp thời các Luật Thuế; thu đúng, thu đủ và kịp thời các nguồn thu vào ngân sách nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế; áp dụng các biện pháp, kỹ năng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, giảm tỷ trọng nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu nội địa tối thiểu bình quân hằng năm 15%; nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích, dự báo số thu ngân sách nhà nước, nhất là các nguồn thu mới, phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt trên 2.300 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả chương trình kết nối giữa Ngân hàng - Doanh nghiệp, phát triển dịch vụ ngân hàng; cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo đúng quy đinh của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và tích cực xử lý thu hồi nợ xấu.

Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các loại hàng hóa quan trọng, thiết yếu, dịch vụ công; thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ theo quy định và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế trong giai đoạn đầu thực hiện theo cơ chế giá; tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá (đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá...), đặc biệt là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu: điện, xăng dầu, đất đai, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, gas, cước vận tải, lương thực, thực phẩm; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua các nguồn cung, cầu và giá cả. Từ đó có những biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm những vi phạm về quy định của pháp luật về giá. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo trong lĩnh vực tài chính ngân sách, xây dựng kế hoạch, các chỉ tiêu kinh tế để có phương án phù hợp từng thời kỳ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn ngân sách Nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia

Tập trung rà soát việc thực hiện các chính sách thu gắn với cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là nguồn thu mới theo đúng quy định, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế.

Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và các văn bản hiện hành hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó thực hiện tốt công tác hướng dẫn công tác lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; tổ chức đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng; 9 tháng và cả năm; quy định về một số giải pháp chủ yếu điều hành dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020. Xây dựng và ban hành quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2018-2020 theo nguyên tắc chủ động về nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi tại địa bàn, phấn đấu tăng thu ngân sách, từng bước giảm dần trợ cấp cân đối ngân sách trong giai đoạn sau. Ban hành các giải pháp chủ yếu điều hành dự toán thu, chi ngân sách hàng năm.

Xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm theo Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2016 của Chính phủ. Tổ chức rà soát xây dựng và trình ban hành các khoản phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách theo quy định.

Đảm bảo chi thường xuyên của ngân sách bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Ưu tiên bố trí chi trả nợ trong dự toán chi NSNN hàng năm, đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn. Tổ chức phân bổ theo đúng định mức, tiêu chuẩn quy định và nâng cao hiệu quả chi ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Căn cứ Quyết định giao dự toán thu chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ và tạo nguồn lực để đầu tư và chi thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ chi đầu tư 24%-26% tổng chi ngân sách địa phương.

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế đảm bảo theo đúng quy định Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.

[...]