Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2013 nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ Phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, xã của tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu | 118/KH-UBND |
Ngày ban hành | 30/08/2013 |
Ngày có hiệu lực | 30/08/2013 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Tháp |
Người ký | Nguyễn Văn Dương |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 118/KH-UBND |
Đồng Tháp, ngày 30 tháng 08 năm 2013 |
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ Phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã như sau:
1. Thực trạng về đội ngũ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã
Tính đến tháng 7/2013, toàn tỉnh có 210 công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã, gồm: 49 công chức cấp huyện và 161 công chức cấp xã.
- Về trình độ chuyên môn: Trên đại học: 01 công chức, chiếm tỷ lệ 0,47%; Đại học: 69 công chức, chiếm tỷ lệ 32,86%; Cao đẳng: 05 công chức chiếm tỷ lệ 2,38%; Trung cấp: 133 công chức, chiếm tỷ lệ 63,33%; không có trình độ chuyên môn: 02 công chức, chiếm tỷ lệ 0,95%. Hình thức đào tạo chính quy chiếm gần 25 %, còn lại là hệ đào tạo tại chức, từ xa,…
- Về trình độ tin học: Tỷ lệ công chức có trình độ tin học chiếm tỷ lệ 63%, số còn lại chưa có trình độ tin học.
- Về độ tuổi: Số công chức trên 50 tuổi: 10 người, chiếm 4,8%; từ 40 - 50 tuổi: 26 người, chiếm tỷ lệ 12,38%; từ 35 - dưới 40 tuổi: 16 người, chiếm tỷ lệ 7,61%; từ 20 - dưới 35 tuổi: 158 người, chiếm tỷ lệ 75,23%.
- Về lý luận chính trị: 96 công chức đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ 45,51%; về bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước: 50 công chức, chiếm 23,81%; số công chức chưa qua tập huấn về cơ chế một cửa, một cửa liên thông: 148 công chức, chiếm 70,48%.
- Công chức có thời gian thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả từ 01 năm - 02 năm: 106/210 người, chiếm 50,48% (số còn lại thực hiện nhiệm vụ trên 02 năm); số công chức thuộc biên chế văn phòng HĐND và UBND huyện: 23/49 người, chiếm 46,93 %; số công chức thuộc biên chế của các phòng chuyên môn: 11/49 người, chiếm 22,44%: còn lại 15 người là hợp đồng. Ở cấp xã, có 26/161 đối tượng là những người hoạt động không chuyên trách, chiếm 16,14 %, còn lại 135/161 đối tượng là công chức, chiếm 83,86 %.
2. Nhận xét, đánh giá
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và từng bước khắc phục dần những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc cho tổ chức, công dân; có 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 144/144 xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/202007 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, đội ngũ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp huyện, cấp xã cho thấy một số mặt được và hạn chế như sau:
a) Mặt được:
- Cấp huyện, cấp xã đã quan tâm, bố trí công chức có năng lực, trình độ cơ bản đảm bảo quy định để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
- Hầu hết công chức có tinh thần trách nhiệm trong công việc, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, về quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
- Đã thực hiện việc phối hợp với các phòng, ban, cán bộ, công chức chuyên môn để đảm bảo vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giúp cho việc giải quyết hồ sơ nhanh chóng, đúng hạn đạt tỷ lệ cao.
b) Mặt hạn chế và nguyên nhân:
- Một bộ phận công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, nhất là công chức mới tiếp cận công việc chưa am hiểu về quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, quy định của pháp luật về thủ tục hành chính nên thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa đạt yêu cầu.
- Vẫn còn tình trạng tự ý đặt thêm các thủ tục hành chính hoặc kéo dài thời gian giải quyết, hẹn đi hẹn lại nhiều lần gây phiền hà cho tổ chức, công dân.
- Thái độ, ngôn phong giao tiếp, ứng xử với tổ chức, công dân vẫn còn một số biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu tôn trọng; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục qua loa, đại khái; giải quyết công việc theo kiểu “ban ơn”, “quan cách” thậm chí gây sách nhiễu, vòi vĩnh, buộc người dân phải cầu cạnh mới giải quyết hồ sơ.
Những tồn tại, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu và trước hết là do công tác bố trí công chức chưa đảm bảo theo quy định, lại thường xuyên thay đổi, xáo trộn; trình độ, năng lực của đội ngũ này nhìn chung vẫn còn hạn chế, bị động, lúng túng trong công việc nhưng chưa được bồi dưỡng, tập huấn kịp thời. Bên cạnh đó, một số công chức đã lớn tuổi, xử lý công việc chậm chạp, xử sự theo lối mòn, ngại đổi mới; một số công chức trẻ nhưng lại thiếu kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn,… đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
1. Mục đích:
Nhằm kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng giao tiếp, ứng xử của đội ngũ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã; qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đáp ứng yêu cầu và đảm bảo sự hài lòng của tổ chức, công dân trong giao dịch với các cơ quan thẩm quyền.
2. Nội dung:
a) Kiện toàn đội ngũ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã rà soát lại đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để có hướng sắp xếp hợp lý, đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ, độ tuổi nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cụ thể: