Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2019 về tăng cường giải pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 02/CT-UBND
Ngày ban hành 13/02/2019
Ngày có hiệu lực 13/02/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Trì
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 13 tháng 02 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC AN TOÀN, LÀNH MẠNH, THÂN THIỆN, PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thời gian vừa qua, tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trường học, vi phạm đạo đức nhà giáo như: Học sinh bị tai nạn thương tích do điều kiện cơ sở vật chất trong trường học không bảo đảm; học sinh đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng; phụ huynh học sinh hành hung, gây thương tích, xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, tinh thần, thể chất học sinh; học sinh xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, nhân viên của nhà trường, người khác; giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh, bạo lực, bạo hành, xâm hại học sinh.

Các sự việc trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của giáo viên và học sinh; tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để ngăn chặn các hiện tượng nêu trên, đồng thời tăng cường các giải pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

1.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo thuộc phạm vi quản lý.

1.2. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh vi phạm nội quy trường, lớp.

1.3. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, kiến thức pháp luật, các quy định của ngành, trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nền nếp, kỷ cương, kỷ luật tích cực trong trường học (theo nguyên tắc vì lợi ích của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần; khích lệ và tôn trọng; phù hợp với đặc điểm và sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi học sinh).

1.4. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai theo thẩm quyền việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

1.5. Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh; người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra vụ việc vi phạm. Đối với những trường hợp giáo viên, nhân viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động.

1.6. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai, thực hiện các hoạt động bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, cụ thể:

- Tuyên truyền, quán triệt tới cán bộ quản lý, giáo viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em; các văn bản quy định công tác quản lý nâng cao đạo đức nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường1; xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trường học.

- Tăng cường công tác quản lý, tích cực phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, các vướng mắc phát sinh, thực hiện các giải pháp phòng ngừa bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học2: Lắp đặt camera an ninh, lập hòm thư tố giác tội phạm, thiết lập, công khai đường dây nóng, hòm thư tố giác để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường; bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách bảo đảm duy trì tình hình an ninh, trật tự khu vực trường học; phối hợp, cung cấp thông tin, tình hình các đối tượng có biểu hiện hoạt động phức tạp tại khu vực trường học cho lực lượng Công an; xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ trong nhà trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, học sinh và các lực lượng khác trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường.

- Tổ chức các hoạt động rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ các hoạt động học tập, vui chơi (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường rào, lan can, khu vui chơi...) trong khuôn viên nhà trường, kịp thời sửa chữa, thay thế, khắc phục, đảm bảo môi trường nhà trường an toàn.

- Tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, kiến thức về giới và kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc xử lý, bảo vệ học sinh.

- Tuyên truyền, giáo dục học sinh tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, tham gia các hoạt động Đoàn, Đội; lao động giúp đỡ gia đình và tham gia các hoạt động cộng đồng, các hoạt động tình nguyện; không truy cập các website thiếu lành mạnh trên internet; không sử dụng ma túy, đánh bạc, đua xe; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phòng, chống việc tuyên truyền của các hội, tôn giáo hoạt động trái phép.

- Xây dựng các biện pháp xiết chặt kỷ cương, nền nếp nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học; học sinh xúc phạm, nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, nhân viên của nhà trường; giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh, bạo lực, bạo hành, xâm hại học sinh.

- Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo; yêu cầu giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và xử lý tình huống sư phạm; trong quá trình giáo dục, cần tôn trọng sự khác biệt, phù hợp đối tượng, giảm áp lực cho học sinh.

- Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ; bộ quy tắc ứng xử văn hóa trường học. Tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại giữa Lãnh đạo nhà trường với phụ huynh học sinh, giáo viên và học sinh để kịp thời nắm thông tin, tâm tư, nguyện vọng và các vướng mắc phát sinh, từ đó giải quyết thấu đáo với mục tiêu tốt nhất cho học sinh, giáo viên; tổ chức tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác chủ nhiệm, công tác Đoàn, Đội; tích cực tổ chức hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao và các hoạt động tập thể tạo không khí vui vẻ, thân thiện giữa các thành viên nhà trường.

- Thực hiện giáo dục hòa nhập theo quy định; tư vấn cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu người khuyết tật; phối hợp gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện đối với người khuyết tật.

- Tăng cường công tác tự kiểm tra việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Thực hiện tốt các giải pháp truyền thông trong giáo dục, vinh danh, tuyên truyền nhân rộng những tấm gương tiêu biểu nhà giáo sáng tạo, tận tuỵ, hết lòng vì học sinh để lan tỏa trong toàn ngành và địa phương; phê bình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

2.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các tổ chức có liên quan bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

2.2. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh, sinh viên vi phạm nội quy trường lớp.

2.3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

2.4. Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần người học và người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra vụ việc vi phạm. Đối với những trường hợp giáo viên, nhân viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động.

2.5. Đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai theo thẩm quyền việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

[...]