ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
22 tháng 01 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO
DỤC MẦM NON VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
BÌNH
Thực hiện Quyết định số
1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở
vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017
- 2025 (sau đây viết tắt là Đề án);
Căn cứ Văn bản số
428/BGDĐT-CSVC ngày 30/01/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Đề
án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ
thông giai đoạn 2017 - 2025,
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình
ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án (sau đây viết tắt là Kế hoạch) với các nội
dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức, triển khai thực hiện
các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã xác định trong Quyết định số
1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho
chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 đối với
các cấp, các ngành, các địa phương.
- Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật
chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương
trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa
trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Cụ thể hóa Đề án bảo đảm cơ sở
vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017
- 2025 của Chính phủ; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo thực hiện hiệu
quả Đề án, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển giáo dục và đào tạo, phù hợp với
điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Các cấp, các ngành, các địa
phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện mục tiêu của Chính phủ
và nghiêm túc tổ chức thực hiện theo Kế hoạch này.
II. NỘI DUNG
1. Giai đoạn
2017 - 2020
a) Đối với giáo dục mầm
non
- Xây dựng bổ sung: 266 phòng học,
25 phòng giáo dục thể chất, 14 phòng giáo dục nghệ thuật, 65 nhà bếp và nhà
kho;
- Mua sắm bổ sung: 19.800 thiết
bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trong lớp và 346 thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ
chơi ngoài trời theo chương trình (Chi tiết theo phụ lục kèm theo).
b) Đối với giáo dục tiểu học
- Kiên cố hóa trường, lớp học:
Đầu tư xây dựng 28 phòng học tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi
ngang ven biển thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho
giáo viên giai đoạn 2017 - 2020;
- Xây dựng bổ sung: 378 phòng học,
86 phòng giáo dục thể chất, 89 phòng giáo dục nghệ thuật, 47 phòng tin học, 68
phòng ngoại ngữ, 57 phòng thiết bị giáo dục, 58 phòng thư viện, 65 phòng hỗ trợ
giáo dục khuyết tật học hòa nhập;
- Mua sắm bổ sung: 584 bộ thiết
bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2; 10.696 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 2.069
bộ máy tính; 109 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ (Chi tiết theo phụ lục kèm
theo).
c) Đối với giáo dục trung học
cơ sở
- Xây dựng bổ sung: 184 phòng học,
196 phòng bộ môn, 124 phòng chuẩn bị và 55 phòng thư viện;
- Mua sắm bổ sung: 142 bộ thiết
bị dạy học tối thiểu khối lớp 6; 256 bộ thiết bị phòng học bộ môn; 7.779 bộ bàn
ghế hai chỗ ngồi; 1.885 bộ máy tính; 107 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ (Chi
tiết theo phụ lục kèm theo).
d) Đối với giáo dục trung học
phổ thông
- Xây dựng bổ sung 48 phòng học
cho 09 trường THPT công lập (Nho Quan C: 09 phòng, Gia Viễn C: 03 phòng, Hoa Lư
A: 04 phòng, Trần Hưng Đạo: 04 phòng, Tạ Uyên: 10 phòng, Bình Minh: 04 phòng,
Kim Sơn C: 04 phòng, Nguyễn Huệ: 04 phòng và Ngô Thì Nhậm: 06 phòng) để khắc phục
tình trạng thiếu phòng học, đảm bảo đủ số phòng học trong giai đoạn tới.
- Xây dựng bổ sung: 08 phòng học
bộ môn và 05 phòng thư viện.
- Mua sắm bổ sung: 12 bộ thiết
bị phòng học bộ môn; 6.060 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 860 bộ máy tính; 60 bộ thiết
bị phòng học ngoại ngữ.
- Tiếp tục cân đối đảm bảo nguồn
vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất đang
triển khai tại các trường THPT. Tiếp tục triển khai Dự án Xây dựng Trường THPT
chuyên tỉnh theo kế hoạch đã được phê duyệt, phấn đấu đến tháng 9/2020 cơ bản
hoàn thành và đưa vào sử dụng (Chi tiết theo phụ lục kèm theo).
2. Giai đoạn
2021 - 2025
- Kiên cố hóa trường, lớp học: Tiếp
tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư xây dựng số phòng
học còn lại thay thế các phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống
cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê;
- Phấn đấu xây dựng bổ sung đủ
số phòng học các cấp học, đặc biệt phấn đấu số phòng đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng đối
với cấp học mầm non, tiểu học; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90%; đủ số phòng phục
vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện;
- Mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy
học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông; trong đó, ưu tiên cho lớp 3, lớp
4, lớp 5, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12 theo lộ trình đổi mới
chương trình, sách giáo khoa;
Đến thời điểm chuẩn bị thực hiện
giai đoạn 2021 - 2025 của Đề án, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị
có liên quan tiến hành rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư; báo cáo UBND
tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu
tư và cơ chế huy động vốn đảm bảo khả năng thực hiện, phù hợp với các mục tiêu
nêu trên.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Thực
hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học
- Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện
quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế -
xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương;
- Từng bước triển khai Kế hoạch
thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/02/2018 của Tỉnh ủy Ninh
Bình về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành
Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý,
nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Quyết định số 1584/QĐ-UBND ngày 29/11/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê
duyệt Đề án tổng thể kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước
trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;
- Các cấp chính quyền địa
phương hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để xây dựng mới, mở rộng
các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, bảo đảm hiệu
quả đầu tư lâu dài. Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường, lớp học ở các khu đô thị
mới, tái định cư, khu đông dân cư, các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục có tổ
chức nội trú, bán trú cho học sinh.
2. Quản
lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất
- Rà soát, điều chỉnh, bố trí,
sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý, bảo đảm đủ phòng học nhằm
nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục;
- Thường xuyên kiểm tra, rà
soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học; lập kế hoạch và thực
hiện việc bảo trì công trình theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của
Chính phủ ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
- Tổ chức kiểm tra việc lập thiết
kế cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp theo các tiêu chuẩn thiết kế
trường học (TCVN) và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) như: TCVN 3907:2011
“Trường mầm non - Yêu cầu thiết kế”, TCVN 8793:2011 “Trường tiểu học - Yêu cầu
thiết kế”, TCVN 8794:2011 “Trường trung học - Yêu cầu thiết kế”, đặc biệt liên
quan đến an toàn sinh mạng có QCXDVN 05:2008/BXD (Nhà ở và công trình công cộng
- An toàn sinh mạng và sức khỏe) và QCXDVN 06:2010/BXD (an toàn cháy cho nhà và
công trình);
- Kiên quyết không đưa vào sử dụng
các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi
chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
3. Tăng cường
nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học
- Lồng ghép hỗ trợ thực hiện Kế
hoạch thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành
giáo dục và các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối,
bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng việc thực hiện
các mục tiêu của Kế hoạch;
- Tổng hợp cân đối các nguồn vốn
được phân bổ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ các huyện, thành phố
thực hiện Kế hoạch. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho cấp mầm non, tiểu học và bảo đảm
thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; ưu tiên
các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển theo quy định của Thủ tướng
Chính phủ;
- Hàng năm, trên cơ sở nguồn lực
và khả năng cân đối của ngân sách, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bổ
sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường học thuộc phạm vi quản lý
lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả
Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 29/8/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các
nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 -
2025. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển
giáo dục trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT
ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở
giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
- Huy động tối đa mọi nguồn lực
trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn của
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn
đầu tư...;
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch
gồm:
- Ngân sách nhà nước: ngân sách
trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó:
+ Ngân sách tỉnh: Bố trí kinh
phí xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học
cho các trường THPT; hỗ trợ một phần cho các cấp học khác.
+ Ngân sách cấp huyện, xã: Bố
trí kinh phí xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng; mua sắm bổ sung thiết
bị dạy học cho các trường mầm non, tiểu học và THCS thuộc phạm vi quản lý.
- Nguồn xã hội hóa và các nguồn
hợp pháp khác.
2. Nguồn vốn thực hiện giai
đoạn 2017 - 2020
- Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ
giai đoạn 2017 - 2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học;
- Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện
thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016
- 2020 để hỗ trợ xây dựng bổ sung phòng học và khối phòng phục vụ học tập;
- Nguồn vốn ngân sách trung
ương cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo) để hỗ
trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học;
- Nguồn vốn ngân sách tỉnh,
ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
3. Nguồn vốn thực hiện giai
đoạn 2021 - 2025
Căn cứ quy mô cần đầu tư xây dựng
theo mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp
với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới của tỉnh; UBND các huyện, thành phố
và các đơn vị có liên quan rà soát, cân đối, lựa chọn các mục tiêu ưu tiên đầu
tư theo lộ trình đổi mới giáo dục mầm non và chương trình sách giáo khoa giáo dục
phổ thông phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình UBND tỉnh phê
duyệt.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực, tham
mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm; chỉ đạo, hướng
dẫn các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn và tổ chức đầu tư xây
dựng cơ sở vật chất từ bước đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất cho dạy học 2 buổi/ngày.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính tham mưu bố trí ngân sách sự nghiệp giáo dục, ngân sách địa phương cho
nhiệm vụ mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình,
sách giáo khoa giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
- Phối hợp với UBND cấp huyện đẩy
mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự ủng hộ của cộng đồng xây dựng hoàn thiện
cơ sở vật chất phục vụ cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông; hàng năm kiểm tra tổng hợp tình hình báo cáo kết quả triển khai thực hiện
với UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch trung hạn
giai đoạn 2021-2025, bố trí nguồn ngân sách địa phương thực hiện đầu tư cơ sở vật
chất nhằm kiên cố hóa trường, lớp học đáp ứng cho chương trình giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông.
- Tham mưu UBND tỉnh kêu gọi
các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, mua sắm trang thiết
bị tại các đơn vị thụ hưởng.
- Tham gia kiểm tra, đánh giá
tiến độ thực hiện Kế hoạch của các địa phương.
3. Sở Tài chính
- Hàng năm, căn cứ khả năng cân
đối của ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Hướng dẫn quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí đầu tư xây dựng đúng quy định, đạt mục tiêu và có hiệu quả.
- Tham gia kiểm tra, đánh giá
tiến độ thực hiện Kế hoạch của các địa phương.
4. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Chủ trì tổng hợp kế hoạch về
mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn
vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
- Tham gia kiểm tra, đánh giá
tiến độ thực hiện Kế hoạch của các địa phương, gắn với tiêu chí giáo dục trong
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
5. Sở Xây dựng
- Phối hợp với các Sở, Ban,
Ngành của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có
liên quan quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản
lý chất lượng công trình xây dựng các cơ sở giáo dục; thiết kế xây dựng và mở rộng
trường học đảm bảo các tiêu chuẩn quy định;
- Tham gia kiểm tra, đánh giá
tiến độ thực hiện Kế hoạch của các địa phương.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với các Sở, Ban,
Ngành của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên
quan quy hoạch, xác định vị trí, diện tích và bố trí đất để mở rộng, xây mới
trường lớp học.
- Tham gia kiểm tra, đánh giá
tiến độ thực hiện Kế hoạch của các địa phương.
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Xây dựng Kế hoạch thực hiện tại
địa phương; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn với sự
tham gia kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương để thực hiện các mục tiêu của Kế
hoạch theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, chống thất thoát, tiêu cực. Định
kỳ 06 tháng và hàng năm, gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố theo chức năng
nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để
xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, KH&ĐT,
TN&MT, TT&TT; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, VP2, VP4, VP5, VP6.
5.Tr02_KHGD
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|