Kế hoạch 4024/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2030”

Số hiệu 4024/KH-UBND
Ngày ban hành 26/06/2023
Ngày có hiệu lực 26/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4024/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 26 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2023-2030”

Thực hiện Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030”; tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2030”, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN

Quảng Nam có 06 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg[1] ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn; 58 xã khu vực III, 03 xã khu vực II và 09 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg[2] ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; có 230 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó 211 thôn ở xã khu vực III, 11 thôn ở xã khu vực II, 06 thôn ở xã khu vực I và 02 thôn ở xã có thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT[3] ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc (sau đây gọi tắt là vùng khó khăn).

1. Thuận lợi

- Trong những năm qua, cấp học giáo dục mầm non nói chung và giáo dục mầm non vùng khó khăn nói riêng được Chính phủ, Nhà nước quan tâm ban hành các chế độ chính sách góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết về chế độ chính sách cho đội ngũ, trẻ em như Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND[4] ngày 19/4/2021, Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND[5] ngày 22/7/2021, Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND[6] ngày 21/4/2022, Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND[7] ngày 20/7/2022.

- Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí quỹ đất; kết hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng kiên cố và đạt chuẩn, gắn với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp cho cấp học mầm non.

2. Khó khăn

- Mạng lưới trường mầm non vùng khó khăn còn phân tán, nhiều điểm trường mầm non có diện tích hẹp, phòng học chưa đảm bảo đúng quy cách và diện tích cho trẻ sử dụng, nhiều điểm lẻ, nhiều lớp ghép. Trong những năm qua, phòng học tạm, nhờ tuy có giảm nhưng vẫn còn tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số phòng học mầm non hiện nay thừa thiếu cục bộ do một số điểm trường thôn xóa lớp (thừa), một số điểm trường chính tăng lớp (thiếu) nhưng việc đầu tư xây dựng chưa kịp thời để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

- Số lượng trường mầm non tại các địa phương vùng khó khăn ít, chỉ có 13 trường mầm non với 11 nhóm trẻ. Công tác xã hội hóa phát triển mạng lưới trường lớp ngoài công lập phát triển chậm do đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Chính phủ, Nhà nước cũng như tỉnh chưa có chế độ chính sách riêng hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ nhà trẻ vùng khó khăn đến trường. Chính vì vậy, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường tại vùng khó khăn thấp, chỉ đạt 5,6%.

- Tỷ lệ giáo viên mầm non trên lớp chưa đạt theo quy định, hiện nay chỉ đạt 1,6 giáo viên/lớp. Hệ thống chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại các vùng khó khăn đã được Chính phủ, Nhà nước quan tâm, đãi ngộ nhiều chế độ. Tuy nhiên tỉnh chưa có chế độ chính sách đặc thù riêng thu hút giáo viên mầm non công tác tại vùng khó khăn.

3. Thực trạng giáo dục mầm non vùng khó khăn (Tính đến tháng 01/2023)

a) Quy mô mạng lưới trường lớp

- Tổng số trường mầm non, mẫu giáo: 57 trường công lập (không có trường ngoài công lập), trong đó có 13 trường mầm non và 44 trường mẫu giáo.

- Tổng số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục: 14 cơ sở.

- Tổng số nhóm, lớp: 571 nhóm, lớp, trong đó:

+ Nhóm trẻ: 26 nhóm (11 nhóm trong trường công lập và 15 nhóm trẻ độc lập tư thục).

+ Lớp mẫu giáo: 545 lớp (544 lớp trong trường công lập và 01 lớp mẫu giáo độc lập tư thục).

- Tổng số trẻ mầm non đến trường: 13.314/ 22.618 trẻ, tỷ lệ 58,9%, trong đó:

+ Trẻ nhà trẻ: 506/9.057 trẻ, tỷ lệ 5,6%;

+ Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi: 12.808/13.561 trẻ, tỷ lệ 94,4%.

- Tổng số trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số đến trường: 10.322/16.866 trẻ, tỷ lệ 61,1%; trong đó:

+ Trẻ nhà trẻ: 133/6.115 trẻ, tỷ lệ 2,2%.

+ Trẻ mẫu giáo: 10.189/10.771 trẻ, tỷ lệ 94,6%.

b) Về tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên

- Tổng số giáo viên mầm non (GVMN): 950 người, trong đó có 922 GVMN công lập và 28 GVMN tư thục.

- Định biên giáo viên/ nhóm, lớp:

[...]