Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và 2030

Số hiệu 106/KH-UBND
Ngày ban hành 16/05/2023
Ngày có hiệu lực 16/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 16 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY ĂN QUẢ CHỦ LỰC VÀ CÂY ĂN QUẢ ĐẶC SẢN HÀNG HÓA CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025 VÀ 2030

Căn cứ Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030.

Căn cứ Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển cây ăn quả trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển các cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Đẩy mạnh liên kết tại vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao tập trung; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây ăn quả.

- Tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm c ó chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm cây ăn quả.

2. Yêu cầu

Phát triển cây ăn quả phải phù hợp với Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh phát triển cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao theo quy mô tập trung, bền vững, hiệu quả và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp và ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025:

+ Diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt trên 19.000 ha, sản lượng trên 200. 000 tấn/năm, trong đó: Diện tích cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đạt trên 16.200 ha, sản lượng trên 180.000 tấn/năm; nâng cao giá trị các cây ăn quả đặc sản, gắn với phát triển du lịch như cây hồng không hạt, cây lê,…

+ Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 20%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao đạt trên 70%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương trở lên…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 27%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 8%.

- Đến năm 2030:

+ Duy trì diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt trên 19.000 ha, sản lượng 220.000 tấn/năm; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đạt trên 17.700 ha, sản lượng đạt trên 210.000 tấn/năm; nâng cao giá trị các cây ăn quả đặc sản, gắn với phát triển du lịch như cây hồng không hạt, cây lê,…

+ Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 40%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao đạt trên 80%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương trở lên…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 40%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 10%.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

1. Cây cam

- Ổn định diện tích cam trên 7.500 ha, sản lượng trên 100.000 tấn quả/năm. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt 3.050 ha. Tập trung ở các huyện: Hàm Yên, Chiêm Hóa và Yên Sơn.

- Cơ cấu diện tích cam chín chính vụ từ 70-75% diện tích, cam chín rải vụ thu hoạch từ 25-30% diện tích. Bình tuyển, chọn tạo và chuyển giao bộ giống cam sành có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, xây dựng vườn cây giống đầu dòng sạch bệnh, nhân giống sạch bệnh, phục vụ tái canh. Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ, an toàn, chú trọng áp dụng ghép cải tạo vườn cam, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, công nghệ bảo quản sau thu hoạch cam; cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

2. Cây bưởi

[...]