Kế hoạch 1277/KH-UBND năm 2023 về phát triển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả, dược liệu và mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2050, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1277/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2023
Ngày có hiệu lực 04/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1277/KH-UBND

Kon Tum, ngày 04 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ SẢN PHẨM TỪ CÂY ĂN QUẢ, DƯỢC LIỆU VÀ MÔ HÌNH HỘI QUÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Căn cứ Kết luận số 02-KL/TU ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025.

Căn cứ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Chương trình số 42-CTr/TU ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khoá XVI về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Căn cứ Công văn số 882-CV/TU ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Tỉnh ủy về thống nhất chủ trương ban hành Kế hoạch phát triển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả, dược liệu và mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cây ăn quả, dược liệu và mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phát triển cây ăn quả, dược liệu thành vùng chuyên canh để tổ chức sản xuất chuỗi sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Hình thành “Mô hình Hội quán” trên cơ sở tập hợp, gắn bó các hội viên, cộng đồng dân cư tại các thôn, làng, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, nhằm tổ chức sinh hoạt liên kết những người dân tại địa phương, thực hiện kết nối sản xuất, kinh doanh, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân trong cộng đồng; nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân ở nông thôn, cùng với chính quyền địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

- Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từ cấp tỉnh, huyện và xã, có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân trong việc phát triển vùng trồng cây ăn quả, dược liệu chuyên canh tập trung, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, các đơn vị, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phát triển cây ăn quả, dược liệu và Hội quán trên địa bàn tỉnh.

- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian thực hiện, trách nhiệm và cơ chế phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

- Định hướng phát triển sản xuất phù hợp với lợi thế so sánh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh; phát triển dược liệu, vùng trồng cây ăn quả phải gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đảm bảo cải thiện sinh kế cho người dân tham gia sản xuất; phát triển các sản phẩm chế biến từ dược liệu, cây ăn quả hướng đến chế biến sâu (các sản phẩm tinh chế, tiện lợi, dược phẩm,...), chứng nhận chất lượng phù hợp phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Hình thành “Mô hình Hội quán” dựa trên cơ sở tự nguyện tham gia của người dân, đây chính là thiết chế tự quản, tự nguyện của cộng đồng dân cư; tự lập, tự chủ hoạt động theo nguyên tắc "3 không", "3 tự", "3 cùng" (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng) nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, có không gian để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản; tham gia xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa loại hình tập hợp Nhân dân, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

1.1. Đối với dược liệu: Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.

1.2. Đối với cây ăn quả: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả có giá trị cao, bền vững, thân thiện với môi trường, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh.

1.3. Đối với Hội quán: Hình thành và phát triển Hội quán theo định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực dược liệu, cây ăn quả và sản phẩm OCOP, sản phẩm có lợi thế so sánh của địa phương theo chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hiện hành, truy suất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện sản xuất của Hội quán.

2. Mục tiêu cụ thể đến 2025

2.1. Đối với dược liệu

a) Về phát triển vùng trồng dược liệu

- Diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); dược liệu khác 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha (1.600ha đất qua các lượt trồng) cây dược liệu hằng năm.

- Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thể mạnh tại địa phương với quy mô đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn.

[...]