Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 105/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 124/NQ-CP và Kế hoạch 122-KH/TU về thực hiện Nghị 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 105/KH-UBND
Ngày ban hành 26/05/2021
Ngày có hiệu lực 26/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/KH-UBND

Phú Yên, ngày 26 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 124/NQ-CP NGÀY 03/9/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 122-KH/TU NGÀY 08/11/2019 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW NGÀY 22/3/2018 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 124/NQ-CP) và Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 08/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Kế hoạch 122-KH/TU); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020 và Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 08/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa công nghiệp Phú Yên phát triển nhanh, bền vững trở thành ngành kinh tế trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế.

2. Yêu cầu

- Nắm chắc mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển công nghiệp trong từng giai đoạn để triển khai rà soát và xây dựng chính sách phù hợp tạo cơ chế tốt nhất cho phát triển công nghiệp.

- Các cấp, các ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phân công đề cao trách nhiệm, triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng ngành, từng cấp.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý công nghiệp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tập trung, thông suốt, hiệu quả, có phân công, phân cấp rõ ràng.

- Mở rộng sự tham gia thiết thực, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp vào quá trình giám sát thực hiện chính sách công nghiệp. Kiên quyết chống lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu, tham nhũng, lãng phí trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển công nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Gia tăng tốc độ tăng trưởng công nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ tạo sự phát triển đột phá, thúc đẩy cơ cấu tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Phú Yên có một số ngành, sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng GRDP công nghiệp trong GRDP toàn tỉnh là 37,4%; trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 23%.

- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm trở lên, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm.

- Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%.

- Khai thác hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu, cụm công nghiệp, hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Thực hiện chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

- Tổ chức phân bố không gian sản xuất công nghiệp trên từng vùng, địa bàn theo hướng tập trung, dựa trên tiềm năng, lợi thế, vùng nguyên liệu và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh; từng bước chuyển dịch các ngành chủ yếu dựa vào tài nguyên, lao động, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.

- Ưu tiên phát triển khu, cụm công nghiệp tại các địa phương có lợi thế về giao thông, địa lý kinh tế, tài nguyên, vùng nguyên liệu, lao động, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

2. Thực hiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên

- Lựa chọn ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp theo các nguyên tắc: Phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị cả nước, toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; tạo ra giá trị gia tăng cao; tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phải có tính chủ động và linh hoạt cần thiết; định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động để điều chỉnh cho phù hợp.

- Đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có khả năng phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế như: Chế biến nông, lâm, thủy sản; dược phẩm; dệt may; sản phẩm từ công nghệ mới; công nghiệp phần mềm và nội dung số; hóa chất; năng lượng; thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất tự động hóa.

[...]