Kế hoạch 1035/KH-UBND năm 2019 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 1035/KH-UBND
Ngày ban hành 31/01/2019
Ngày có hiệu lực 31/01/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Phạm Ngọc Nghị
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1035/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 31 tháng 01 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TẠI KHU DÂN CƯ

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư; Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác PCCC tại khu dân cư của các Sở, ban, ngành, địa phương và lực lượng Cảnh sát PCCC; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm loại trừ những nguyên nhân, điều kiện có nguy cơ gây ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn; chủ động, kịp thời thực hiện tốt công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

3. Việc triển khai thực hiện phải đồng bộ, thiết thực và hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

4. Xác định rõ nhiệm vụ PCCC tại khu dân cư là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trong việc quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với công tác PCCC tại khu dân cư.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH cho người dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC. Đầu tư, bố trí nguồn kinh phí bảo đảm phục vụ hiệu quả cho công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý; nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, CNCH khi có cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư. Tổng rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần tăng cường quản lý nhà nước về PCCC. Có các biện pháp xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu…, nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC.

5. Kiện toàn các Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng; nâng cao hiệu quả của lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ... trong phối hợp bảo đảm an toàn về PCCC trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả công tác tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH có sử dụng lực lượng tại chỗ đối với khu dân cư, đảm bảo 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH ít nhất 01 lần/năm.

6. Rà soát quy hoạch khu dân cư, đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung; câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm theo quy định. Vận động nhân dân tự nguyện di rời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư và đầu tư, mua sắm thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH tại chỗ. Chú trọng công tác cấp phép xây dựng, cải tạo đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở liền k, nhà ở liền kế mặt phố...

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật PCCC năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Kế hoạch s109-KH/TU ngày 24/9/2015 của Tỉnh ủy và Kế hoạch s7818/KH-UBND ngày 23/10/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 47/CT-TW; Công văn số 1991/UBND-NC, ngày 16/3/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; Công văn số 10114/UBND-NC ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia công tác PCCC và CNCH. Thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ “lực lượng tại ch, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ”. Gắn phong trào toàn dân tham gia PCCC với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ trong khu dân cư. Đặc biệt phải bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để đảm bảo công tác PCCC và chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, lực lượng dân phòng.

2. Công an tỉnh

- Chủ động điều tra cơ bản nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm của từng khu dân cư để hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân, quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. Tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở và hướng dẫn công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư bảo đảm đủ số lần, số lượt theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC bằng các hình thức phù hợp với thực tế từng địa bàn, khu dân cư; tăng cường hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, nhất là tại khu dân cư, chung cư lâu năm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập, đổ công trình. Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người.

- Tham mưu, đề xuất trang bị phương tiện, trang phục chữa cháy và CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác PCCC, CNCH và an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào toàn dân PCCC để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng các khu dân cư an toàn về PCCC.

- Chỉ đạo lực lượng Công an, trực tiếp là Công an cấp xã thực hiện trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả của lực lượng dân phòng.

- Kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở nằm trong khu dân cư thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC, an toàn sử dụng điện, sử dụng gas, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ theo quy định của pháp luật.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

[...]